Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa làm việc với Sở GTVT:
Đà Nẵng cần có quy hoạch giao thông mang tính tổng thể
SGGPO
Ngày 20-3, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng có buổi làm việc với Sở GTVT Đà Nẵng để bàn các vấn đề "nóng" còn tồn tại trong ngành giao thông Đà Nẵng.
Ông Trương Quang Nghĩa làm việc với Sở GTVT TP Đà Nẵng
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT thành phố Đà Nẵng báo cáo về các hoạt động trong ngành GTVT thành phố Đà Nẵng.
Nói về vấn đề quy hoạch mạng lưới giao thông và nguy cơ ùn tắc giao thông ở Đà Nẵng trong thời gian tới, ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban đô thị HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng, quy hoạch giao thông đang vướng những bất cập. Theo ông Tô Văn Hùng, Đà Nẵng quy hoạch giao thông theo hình bàn cờ nhưng hoàn toàn không có đường trục, không có tuyến vành đai.
Ông Lê Văn Trung (giữa) - Giám đốc Sở GTVT thành phố Đà Nẵng
“Đà Nẵng làm đô thị theo bàn cờ nhưng không phải cờ tướng mà là cờ vây. Thông được chỗ này tắc chỗ khác. Tổ chức giao thông phân luồng phân làn chưa rõ ràng. Các tuyến là phố chứ chưa phải đường. Trong quản lý phân cấp cho quận huyện nhưng rất yếu kém. Quản lý giao thông hiện nay chủ yếu là "cấm". Cấm đi 1 chiều, cấm đỗ xe 1 chiều... nên chưa hiệu quả. Vì vậy, Đà Nẵng cần bổ sung ngay quỹ đất cho giao thông, nhất là giao thông tĩnh. Trên mặt đất ko đủ thì tính đến giao thông ngầm. Mà xác định rõ sơ đồ mạng lưới giao thông thì vai trò của Sở GTVT là quyết định. Với tình trạng cứ 50m có 1 ngã tư thì tổ chức giao thông kiểu gì cũng tắc. Vì thế, cần bổ sung ngay vào những nội dung trong cấp GPXD như khoảng lùi để đỗ xe. Tại các nút giao thông trọng điểm phức tạp thì lùi bao nhiêu mới cấp giấy phép xây dựng cao ốc..." - ông Tô Văn Hùng nói.
Lãnh đạo các sở Tài Chính, Xây dựng, Nội vụ tại buổi làm việc
Ông Tô Văn Hùng cho rằng, Đà Nẵng cần nghiên cứu giao thông thông minh để người lái xe có được thông tin dễ dàng thông qua ứng dụng internet. Cũng theo ông Hùng, ngành giao thông Đà Nẵng phải đề xuất ngay lộ trình cấm phương tiện giao thông cá nhân tại khu vực trung tâm. Cần phải có lộ trình rõ ràng, cấm ở khu vực nào, khi nào cấm,... chứ hiện nay xe buýt nội thành rất tốt nhưng hoạt động không hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, PCT UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc
Ông Vũ Quang Hùng, giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, việc phân luồng giao thông ra vào cảng hàng không quốc tế và sân bay nội địa ra 2 nút giao thông Duy Tân và Nguyễn Văn Linh là cần thiết để chống ùn tắc giao thông tại nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Văn Linh.
Lãnh đạo các sở ngành tại buổi làm việc
Ông Vũ Quang Hùng cũng cho rằng, cần thiết phải phân luồng các phương tiện về bến xe phía Nam vì hiện nay bến xe Trung tâm có lưu lượng xe lớn, trong khi bến xe phía Nam không có xe nào vào.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu chỉ đạo
Về giải quyết chống ùn tắc giao thông, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo ngành giao thông và các ngành khác phối hợp với các ngành khác để quy hoạch giao thông mang tính tổng thể.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở GTVT lên danh sách những các điểm xây dựng bãi đỗ xe để ông trực tiếp đi kiểm tra.
Ông Trương Quang Nghĩa chỉ đạo Sở GTVT, Sở Xây dựng khi cấp phép xây dựng cao ốc phải yêu cầu nhà đầu tư phải dành diện tích cho đường nội bộ, tránh ùn tắc giao thông tại các nơi có nhà cao tầng. Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Sở GTVT nghiên cứu phát triển đường thủy nội địa để giảm áp lực giao thông cho đường bộ và khai thác du lịch.
Để giảm áp lực cho bến xe Trung tâm, ông Trương Quang Nghĩa chỉ đạo các sở ngành nghiên cứu phân luồng xe vào bến xe phía Nam.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trương Quang Nghĩa
Đối với tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp, ông Trương Quang Nghĩa đề nghị Sở GTVT và Sở Xây dựng phải nghiên cứu "ngầm hoá" giao thông để không còn cảnh ô tô chen lấn với người đi bộ tại tuyến đường này.
Theo ông Trương Quang Nghĩa, khi cấp phép xây dựng nhà cao tầng tại dọc đường ven biển Võ Nguyên Giáp thì phải yêu cầu nhà đầu tư xây dựng hệ thống đường ngầm phía dưới, vừa để người đi bộ lưu thông, vừa kinh doanh, buôn bán phục vụ du khách bên dưới.
Chiều 20-3, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kiểm tra, chỉ đạo xử lý tình trạng ngập nước tại hầm chui nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ.
Ông Trương Quang Nghĩa yêu cầu chủ đầu tư tập trung xử lý dứt điểm và thông tin rộng rãi cho dư luận về chất lượng công trình.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đi kiểm tra hầm chui Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ bị ngập nước
Tại công trình hầm chui, ông Lương Thạch Vỹ, Giám đốc Ban Quản lý các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng, chủ đầu tư công trình hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương giải thích, tình trạng ngập nước là do nước thấm từ hố thu bởi áp lực mạch nước ngầm.
Ông Lương Thạch Vỹ cho biết, tối 20-3, đơn vị thi công chống thấm công trình này sẽ tập kết vật liệu, nhân công tập trung xử lý, sau một đêm nay sẽ xử lý hoàn tất tình trạng ngập nước.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, trong quá trình xử lý hố thu không đảm bảo chống thấm nên bị áp lực nước ngầm đẩy lên. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Ban Quản lý Dự án tập trung xử lý và thông tin lại cho dư luận xã hội giải pháp, tình trạng xây dựng công trình vì dư luận xã hội rất quan tâm đến chất lượng công trình; đồng thời yêu cầu phải xử lý sớm, không thể chi tiền bơm nước hàng ngày, gây lãng phí.
Trước đó, vào khoảng 6 giờ 20 phút ngày 19-3, tại hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương xảy ra hiện tượng ngập nước trong hầm, mực nước ngập từ 10cm đến 15cm, phương tiên lưu thông qua hầm với tốc độ chậm làm cho nhiều người lo lắng.
Hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương được đầu tư hơn 118 tỷ đồng, vừa mới thông xe vào đầu tháng 11-2017.
Tổng chiều dài hầm là hơn 430m, trong đó, hầm chính dài 80m.