Tham dự lễ ra quân công trình Tuyến ống cấp nước truyền dẫn D1200, D800 DI Hòa Liên, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong điều kiện TP Đà Nẵng vẫn còn tình trạng thiếu nước vào mùa khô, việc đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên, cùng các tuyến ống cấp nước truyền dẫn là một chủ trương đúng đắn và kịp thời, với mong muốn khi các công trình này hoàn thành trong năm 2021, Đà Nẵng sẽ cơ bản đáp ứng được nước sinh hoạt và sản xuất phục vụ nhân dân.
“Tôi rất mong chủ đầu tư, đơn vị quản lý, đơn vị thi công và tất cả các anh chị em công nhân phát huy kết quả đạt được, ra quân đầu năm mới với tinh thần, khí thế, quyết tâm chính trị cao nhất, làm sao để công trình của chúng ta thi công đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, an toàn lao động, sớm hoàn thành, kịp thời khớp nối với hệ thống thoát nước khu vực này, nhằm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho các hộ gia đình, doanh nghiệp trong khu vực, cũng như nhân dân TP Đà Nẵng”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết.
Với tổng mức đầu tư gần 187 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến gần 6.000m đi qua khu tái định cư Hòa Liên 4, Hòa Liên 5, đường 4B-ND, đường số 2, số 3 và số 5 Khu công nghiệp Hòa Khánh…, công trình Tuyến ống cấp nước truyền dẫn D1200, D800 DI Hòa Liên (đoạn từ Nhà máy nước Hòa Liên đến đường số 2 Khu công nghiệp Hòa Khánh) hoàn thành sẽ sẵn sàng khớp nối đồng bộ hạ tầng cấp nước đã xây dựng của Dawaco, góp phần truyền tải, vận chuyển nước sạch từ nhà máy nước Hòa Liên sau khi đưa vào hoạt động, để tăng cường cấp nước cho các khu vực huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, quận Thanh Khê và quận Hải Châu, chủ động đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng nước, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng.
Tại công trình nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò, công trình được đầu tư xây dựng tuyến kè với chiều dài L = 3652,5m, dọc theo bờ sông Cổ Cò (từ vị trí chùa Hương Sơn đến gần giáp cầu Bãi Dài); đầu tư nâng cấp cầu Biện đạt yêu cầu khô thông thuyền sông cấp IV; đầu tư bến đón trả khách và neo đậu tàu thuyền phục vụ tàu du lịch tại vị trí trước chùa Quán Thế Âm.
Tổng mức đầu tư của tiểu dự án là 486.123.386.000 đồng, thực hiện 540 ngày, từ ngày 17-12-2020. Hiện công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành công tác giải tỏa. Liên danh các nhà thầu thi công đang thực hiện công tác dọn dẹp mặt bằng, công tác chuẩn bị để triển khai thi công, đã hoàn thành công tác đúc và đóng cọc thử để triển khai công tác thi công đóng cọc đại trà.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận, công trình nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò với mục tiêu nhằm bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống nhân dân, chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với đảm bảo an ninh - quốc phòng, góp phần bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái, cải tạo cảnh quan khu vực, góp phần phát triển tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng - Hội An. Đây là công trình trọng điểm nên yêu cầu về chất lượng, tiến độ an toàn lao động được đặt lên hàng đầu.
“Sắp tới, cảnh quan hai bên bờ sông Cổ Cò được thiết kế rất đẹp cùng với sự hình thành khu đô thị, dự án đồng bộ hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Ban quản lý dự án, nhà thầu cần bám sát công trường, xem xét từng tiến độ. Nếu trong quá trình triển khai có vấn đề vướng mắt, khó khăn thì nhanh chóng đề xuất tháo gỡ”, ông Chinh cho hay.
Cùng ngày, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng dự lễ ra quân đầu năm Tân Sửu tại các điểm như Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ; nhà máy nước Hòa Liên và dự án cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà.