Qua kiểm tra xác định khu vực này có 3 cống xả ra biển và kênh Phú Lộc nhưng không có mùi hôi thối, không có dấu hiệu xả thải gây ra tình trạng cá chết.
Đoàn cũng tiến hành kiểm tra, khảo sát tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc – Đà Nẵng, các chỉ tiêu về môi trường nước đều nằm trong ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nước thải dẫn ra kênh Phú Lộc chảy ra biển đều đã qua xử lý, không có hiện tượng ô nhiễm kênh.
Ông Phạm Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên phỏng đoán, nguyên nhân ban đầu có thể do ngư dân nổ mìn đánh cá ở ngoài bãi Bắc, khiến cá chết và bị tấp vào bờ.
“Cá chết chủ yếu là cá mòi cờ, loài thường sống ở tầng nổi của mặt nước biển. Khi nổ mìn sẽ xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở tầng nổi. Trước ngày xảy ra hiện tượng cá chết Đà Nẵng có mưa, đặc điểm của địa phương là hễ cứ mưa sẽ xảy ra quá tải các trạm bơm và nước thải sẽ theo mưa chảy ra biển. Do đó, đoàn đã lấy mẫu tại 3 cống xả dọc biển, 1 cửa xả sông Cu Đê để phân tích. Sau khi có kết luận chính thức, cơ quan chức năng sẽ sớm công bố với dư luận.”, ông Phạm Hồng Sơn nói.
Trước đó, ngày 10-11, Sở TN-MT TP Đà Nẵng nhận được phản ánh về tình trạng cá chết trôi vào khu vực bãi biển, từ cửa sông Phú Lộc đến khu du lịch Xuân Thiều, quận Liên Chiểu. Ngay sau đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác thu dọn, vệ sinh bãi biển, đã hoàn thành trước 17g cùng ngày, tổ chức lấy mẫu nước và rà soát các nguồn xả thải liên quan.
Ước số lượng cá chết thu gom trong chiều 10-11 ước khoảng 1 tấn, bao gồm cả lượng cá người dân tự thu gom, chủ yếu là cá mòi cờ chấm, sinh sống gần bờ và theo đàn.
Được biết, tình trạng cá chết trôi vào bờ biển cũng đã từng xảy ra ở khu vực trên vào thời điểm tháng 11 năm 2017 và kéo dài từ ngày 14 đến 16-11-2017.