Ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, trước đây, những năm 2000, địa phương làm những tuyến đường này và bây giờ bó vỉa cao vẫn tồn tại, nhất là ở tuyến đường Bạch Đằng, đường 2/9,… TP Đà Nẵng cũng mở những lối nhỏ để người dân tiếp cận lên vỉa hè. Những bó vỉa đó gần như xe máy khó có thể tiếp cận.
“Để giải quyết vấn đề này, hiện nay tại đường Bạch Đằng, đường 2/9, các bó vỉa đang được cải tạo sửa chữa theo hướng có một góc nghiêng để tạo điều kiện cho phương tiện tiếp cận. Cùng với đó, theo quy định, chúng tôi cũng phải có lối đi cho người khuyết tật”, ông Hà chia sẻ.
Đề cập vấn đề này, theo ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, trước hết việc quản lý, bảo trì, bảo dưỡng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, trong đó có vỉa hè thuộc trách nhiệm của nhà nước. Vì vậy, mới đây, Đà Nẵng có đề án thí điểm huy động sự tham gia quản lý vỉa hè đường đô thị của các hộ dân trên địa bàn TP Đà Nẵng nhằm phát huy vai trò làm chủ của người dân trong việc cùng với địa phương khai thác, quản lý kết cấu vỉa hè; giảm thủ tục xin sửa chữa cũng như cấp phép sửa chữa vì mục tiêu cùng “làm đẹp” cho thành phố.
“Riêng với phần bó vỉa, cùng với đó các kết cấu hố trồng cây, kết cấu hạ tầng khác là những kết cấu đặc thù mà nếu chúng ta cho phép từng cá nhân làm thì dẫn đến tình trạng không đồng bộ, nhỏ lẻ ở từng vị trí. Chất lượng không đảm bảo. Chính vì vậy, khi có yêu cầu của người dân thì sẽ phối hợp để nhà nước cùng tham gia sửa chữa đảm bảo sự thống nhất”, ông Trung cho hay.
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận, việc phát triển Đà Nẵng qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ vì vậy việc khớp nối đồng bộ khó tránh khỏi có độ vênh tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, các chuyên gia, tầm nhìn, chuyên môn,… Về vấn đề này, địa phương cố gắng khắc phục làm sao tạo thuận lợi nhất cho người dân, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho cư dân thành phố.