Từ đêm qua tới chiều ngày 11-9, do ảnh hưởng bão số 5, TP Đà Nẵng có mưa to đến rất to trên diện rộng. Lượng mưa đo được tại một số trạm quan trắc ở TP Đà Nẵng từ trong vòng 16-19 giờ ngày 10-9 đến 10 giờ ngày 11-9 dao động từ 100-180mm.
Dọc tuyến đường ven biển như Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành,... gió giật mạnh khiến cây cối, công trình bị ngã, đổ.
Tận dụng một số thời điểm trời ngớt mưa, người dân tranh thủ chèn chống nhà cửa tránh bão. Trong TP Đà Nẵng, cán bộ trực chốt được nghỉ vào sáng 11-9, các chốt cũng được gỡ bỏ để đảm bảo an toàn trong mưa bão.
Theo phương án đã được phê duyệt dự kiến, TP Đà Nẵng sơ tán với cấp bão 8-11 khoảng 58.683 người. Trong đó, sơ tán tập trung là 18.733 người, tại chỗ là 39.950 người.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ngành y tế test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đối với dân ở vùng đỏ; không xét nghiệm dân ở vùng vàng, vùng xanh do đã có kết quả âm tính trước đó. Bệnh viện Đà Nẵng gia cố những nơi xung yếu bệnh viện dã chiến Khu Ký túc xá phía Tây, chuyển toàn bộ bệnh nhân thở oxy vào Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị.
Khi mưa bão, điều quan trọng là chở được người tới bệnh viện nên huy động 44 xe cấp cứu, lực lượng ở các bệnh viện. Do mưa bão, lịch tiêm vaccine trong ngày 11 và 12-9 tạm hoãn.
"Cố gắng tìm những điểm giãn cách tốt nhất, trường hợp không thể thì sử dụng phương tiện kết hợp xét nghiệm tùy những “vùng nguy cơ” qua kết quả xét nghiệm hộ gia đình vừa qua. Trong thời điểm không thể tách biệt từng phòng cho từng gia đình, chính quyền yêu cầu người dân đeo khẩu trang, tấm che giọt bắn”, bà Yến nói.
Để hỗ trợ người dân vùng đỏ quận Thanh Khê, Trung đoàn 971 (Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng) huy động gần 50 cán bộ, chiến sĩ mặc bảo hộ giúp người dân chèn chống nhà cửa.
Lực lượng ưu tiên nhà có hoàn cảnh neo đơn, người già, phụ nữ và trẻ em và thực hiện chèn chống bằng bao cát, cố định dây thừng. Người dân phải an toàn tuyệt đối trong nhà. Sau khi kiểm tra cửa nẻo, các chiến sĩ nhiệt tình thông cống thoát nước trước nhà để tránh ngập, chặt tỉa những cây xanh có nguy cơ ngã đổ.
Đối với 97 người dân dộc thiểu số ở nhiều địa phương (Quảng Ngãi, Kon Tum, Nghệ An...) bị mắc kẹt trong rừng xã Hòa Bắc hơn 2 tháng nay, theo ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), trước mắt lực lượng xã cùng với công an, quân đội vận động, giúp đỡ di dời nhanh chóng trước khi bão đổ bộ. Xã cũng bố trí trường học, bếp ăn, nhu yếu phẩm đầy đủ để mọi người ở tạm, đảm bảo sinh hoạt. Thời gian này, cán bộ tổng hợp nguyện vọng của bà con, sau khi bão đi qua sẽ tìm cách đưa họ về quê hoặc liên hệ với chủ rừng giải quyết số lao động tiếp tục muốn ở lại làm việc.
“Hiện có 59/97 người mắc kẹt muốn về quê. Những người ở lại nếu tiếp tục làm rừng cũng cần phương án chu toàn hơn, bởi khu vực họ ở cách thôn gần nhất của xã khoảng 10 km, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, tạm bợ”, ông Nam thông tin.
Ngày 11-9, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bão số 5 tại huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, quận Thanh Khê. Tại đập dâng An Trạch và hồ Đồng Nghệ, ông Lê Trung Chinh yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với huyện Hòa Vang chủ động vận hành an toàn đập dâng này, bảo đảm công tác phòng, chống lũ. Huyện Hòa Vang cần khẩn trương thu hoạch lúa Hè Thu, hoa màu để tránh thiệt hại do mưa, bão; có phương án di dời dân để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Huyện Hòa Vang và các xã đã rà soát ngay các khu dân cư, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét cũng như chuẩn bị phương án di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các vị trí có nguy cơ sạt lở đồi núi tại các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Liên; các tuyến đường ĐT 601, bắc Thủy Tú - Phò Nam, Quốc lộ 14G... Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại đập dâng An Trạch Kiểm tra tại khu nhà liền kề Làng Vân (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lưu ý quận Liên Chiểu và các phường phải bố trí lực lượng túc trực để kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp. Đồng thời, yêu cầu địa phương khuyến khích bà con chuẩn bị thực phẩm cũng như phường chủ động lương thực để hỗ trợ bà con trong thời gian bão đổ bộ. “Với gần 6.000 hộ dân, hơn 18.000 nhân khẩu trong diện di dời, 2 địa phương này phải có kế hoạch cụ thể để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ động phối hợp ngành y tế tiến hành test nhanh Covid-19 trước khi di dời. Đồng thời làm việc với khu công nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp cho công nhân nghỉ làm trước 2 giờ so với thời gian quy định”, ông Sơn nói. Tại quận Thanh Khê, ông Sơn yêu cầu quận chủ động nhu yếu phẩm cũng như các phương án bảo đảm an toàn cho người dân trong thời gian bão số 5 đổ bộ; chủ động khơi thông dòng chảy tại các điểm nguy cơ ngập úng cao như cống thoát nước Khe Cạn, Phần Lăng cũng như bảo đảm cơ sở vật chất, công tác phòng, chống dịch tại các điểm di dời. |