Theo đó, Chủ tịch UBND phường, xã thành lập Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn gồm Bí thư chi bộ khu dân cư, thôn là người đứng đầu và thành viên là các cán bộ, công chức đang sinh sống tại cơ sở, mỗi ban huy động từ 32-40 người (chia thành 3 ca, 4 kíp, mỗi kíp 8-10 người). Ban điều hành có nhiệm vụ giám sát nhắc nhở không để người dân ra khỏi nơi cư trú kết hợp tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bằng loa di động, loa phát thanh của thôn, tổ dân phố; nắm chính xác nhu cầu lương thực, thực phẩm của từng hộ gia đình, từng nơi cư trú để cung ứng kịp thời, nhất là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt, không để thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Tổ chức thiết lập các chốt cứng, đảm bảo mỗi khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn chỉ có 1 hoặc 2 lối ra, vào. Tại các chốt, in bảng hướng dẫn đường ra để tránh trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, chữa cháy...
UBND các quận, huyện, phường, xã giảm các chốt trên tuyến đường chính, tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát cơ động. Chủ tịch UBND các phường thành lập ít nhất 5 tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ các ban điều hành khi có tình huống. Công an Đà Nẵng tập trung nắm tình hình đối tượng, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để ngăn chặn, xử lý theo quy định, nhất là các loại tội phạm ma túy, trộm cắp, các hành vi chống người thi hành công vụ...
Đối với cơ quan chính quyền được phép hoạt động, tối đa 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trực và tham gia phòng, chống dịch tại trụ sở. Đối với cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch thì thủ trưởng, Chủ tịch UBND địa phương quyết định số lượng người làm việc và đảm bảo “3 tại chỗ”.
Công an Đà Nẵng và công an quận, huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn và cấp thẻ nhận diện đối với người và phương tiện tham gia các hoạt động được phép ra ngoài tham gia giao thông theo quy định. Tất cả người điều khiển phương tiện (kể cả người đi cùng trên phương tiện) khi vào các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào thành phố phải có kết xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phương pháp PCR kết quả âm tính hoặc phải được xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 có kết quả âm tính để đủ điều kiện vào thành phố Đà Nẵng.
Sở Công Thương Đà Nẵng xây dựng phương án cung ứng, phân phối hàng hóa trên địa bàn, chủ động đàm phán, ký cam kết với các đơn vị cung ứng, phối hợp với các sở, ngành, địa phương điều phối hàng hóa kịp thời, đáp ứng yêu cầu từng khu vực. UBND các quận, huyện tuyên truyền, phổ biến thông tin cho người dân về việc cung ứng hàng hóa theo số lượng mặt hàng và định mức quy định sẵn; chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, điều tiết, cung ứng và phân phối hàng hóa đến địa bàn các phường, xã. UBND các phường, xã hướng dẫn ban điều hành trong khu dân cư hỗ trợ người dân mua các nhu yếu phẩm cần thiết, tuyệt đối không để người dân tự đi đến các nơi cung cấp. Lập danh sách các hộ nghèo, cận nghèo, người không có thu nhập, hộ khó khăn để tổng hợp không để người dân thiếu, đói.
Đối với hoạt động tang lễ, thành phố Đà Nẵng yêu cầu không để đám tang quá 48 giờ, tổ chức nghi lễ không quá 20 người; không tổ chức các đoàn viếng; bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo quy định. Chỉ được sử dụng phương tiện ô tô đi đưa tang, trường hợp đoàn xe đưa tang ra khỏi thành phố Đà Nẵng phải có xác nhận của UBND quận, huyện.
Ngày 14-8, tại Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, lãnh đạo Đà Nẵng nhấn mạnh, các địa phương cần linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn trong những ngày "ai ở đâu ở đó". Theo đó, trong 7 ngày tới, các ngành chức năng, các địa phương tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị mọi mặt để việc triển khai được thuận lợi nhất, từ công tác lấy mẫu, xét nghiệm, cung ứng hàng hóa, đến việc kiểm soát, cấp thẻ cho những đối tượng làm nhiệm vụ được phép đi ra đường trong thời gian dừng tất cả hoạt động. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhìn nhận, đây là việc chưa từng có tiền lệ, được xem như trận đánh lớn, có tính chất quyết định của TP Đà Nẵng trong công tác phòng, chống dịch. Vì vậy yêu cầu tất cả lãnh đạo các cấp phải trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị cũng như quá trình triển khai để xử lý ngay những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Thường trực Thành ủy Đà Nẵng sẽ trực tiếp đi kiểm tra đến tận hộ dân. “Các quyết định, văn bản hướng dẫn triển khai đã được chuẩn bị rất chặt chẽ với đầy đủ phương án, kịch bản, tuy nhiên kết quả đạt được phụ thuộc hoàn toàn vào công tác tổ chức triển khai trong thực tiễn. Do đó, người đứng đầu các cấp, ngành, các địa phương cần bám sát thực tiễn để chủ động, linh hoạt và quyết đoán trong xử lý các tình huống phát sinh, trên tinh thần xử lý nhanh, xử lý ngay, không máy móc chờ sự hướng dẫn của cấp trên”, ông Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo. Với các vấn đề phát sinh, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các địa phương khi tiếp nhận ý kiến, đề nghị của nhân dân cần cố gắng giải quyết từ cơ sở, chỉ những trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo thành phố xem xét, xử lý. “Chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ những điều kiện cần thiết để các đồng chí triển khai thuận lợi, tuy nhiên rất cần sự chủ động, xử lý tình huống linh hoạt, kịp thời của các đồng chí ở cấp cơ sở”, ông Lê Trung Chinh cho hay. |