Nơi khởi nguồn cảm xúc
Sẽ không nói quá nếu cho rằng Đà Lạt là một trong những thành phố có nhiều ca khúc viết về vùng đất này, với khoảng 300 ca khúc. Tất cả đã tạo nên một Đà Lạt rực rỡ sắc màu âm nhạc, với những bản sắc riêng, độc đáo. Hiện nay, các không gian âm nhạc với nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn (bao gồm âm nhạc truyền thống, tân nhạc, nhạc cổ điển, âm nhạc đương đại…) do các nghệ sĩ trong, ngoài nước tới trình diễn ở Đà Lạt đã mang đến cho thành phố một bầu không khí sôi động và tràn đầy năng lượng; giúp cho đời sống văn hóa và nghệ thuật của người dân Đà Lạt ngày càng phong phú về các hoạt động trải nghiệm, giàu cảm xúc.
Những năm gần đây, trên chuyến hành trình nuôi dưỡng cảm xúc âm nhạc của các ca sĩ, nhạc sĩ và những người yêu âm nhạc từ khắp mọi nơi, Đà Lạt vẫn luôn có nhiều hoạt động thiết thực với các không gian âm nhạc đầy sự sáng tạo. Chiều đến, khi ánh hoàng hôn dần buông mình sau phố núi thì cũng là lúc Đà Lạt hòa mình vào những ánh đèn sân khấu, những âm thanh du dương, đôi lúc pha chút sôi động từ các buổi trình diễn ở những quán cà phê, sân khấu ngoài trời, thậm chí là nơi góc phố, ven đường… Trong không gian đặc biệt ấy, người xem như được đưa đến với một thế giới đa sắc màu, mà ở đó, các ca khúc với những thanh âm tuyệt mỹ đã chạm đến cảm xúc chưa bao giờ ngủ yên của người yêu nhạc. Hiện nay, nhiều sân khấu lớn, nhỏ ngoài trời đã thu hút hàng trăm, thậm chí cả ngàn du khách đến thưởng thức. Tại những đêm nhạc, để không làm trôi đi những khoảnh khắc đẹp, đơn vị tổ chức sự kiện đã ghi hình lại các buổi biểu diễn và phát sóng trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem, sức lan tỏa nhờ đó càng hiệu quả.
Âm nhạc gắn kết
Có mặt tại đêm nhạc tổ chức ngoài trời tại phường 7, TP Đà Lạt, bạn Thái Thu Hương (du khách từ TP Vũng Tàu) cho biết: “Mục đích của chuyến đi Đà Lạt lần này là để xem nhạc ngoài trời, vì vậy cả nhóm chúng tôi đã mua vé ca nhạc trước khi đặt vé xe. Khung cảnh chiều tối lãng mạn, được nghe ca sĩ mình yêu thích rất xứng đáng cho chuyến đi này”. Ca sĩ Hoàng Lê Vi chia sẻ: “Đà Lạt có tần số rung động cao để thúc đẩy người nghệ sĩ sáng tạo. Nhiều nghệ sĩ đã tìm về đây để nghỉ ngơi, để lấy lại năng lượng hoặc sau khi rời vùng đất Đà Lạt đã sáng tác những tác phẩm âm nhạc thăng hoa cảm xúc”.
Ngay từ đầu, Đà Lạt được xác định lựa chọn lĩnh vực âm nhạc khi tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, và mục tiêu này càng có cơ sở khi đây là thế mạnh của Đà Lạt. “Danh hiệu thành phố sáng tạo toàn cầu sẽ góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người Đà Lạt. Đồng thời thể hiện những nét đặc trưng vốn có đã được tích lũy trong lịch sử hình thành phát triển TP Đà Lạt”, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết.
Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL, cho rằng: “Đà Lạt có thể kết nối với các thành phố khác trong cùng mạng lưới để chia sẻ các chiến lược, chính sách trong phát triển, tham gia vào các dự án và tìm ra những sáng kiến để mở ra cơ hội, tạo dựng thương hiệu cho thành phố. Đà Lạt cũng đã đề ra chương trình hành động trong thời gian 4 năm tới, với những sáng kiến âm nhạc và hướng đến đưa âm nhạc thành một nội dung trọng tâm, động lực phát triển bền vững của thành phố. Đặt sự sáng tạo là trung tâm của sự phát triển, theo hướng phát triển của một đô thị bền vững, không bỏ ai lại phía sau, sự sáng tạo sẽ kết nối những con người tài hoa không chỉ của Đà Lạt mà còn của địa phương khác và trên thế giới”.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UNESCO Creative Cities Network - UCCN) được khởi xướng vào năm 2004 với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Đến nay, có hơn 300 thành phố từ 90 quốc gia tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, tập trung vào 7 lĩnh vực: Âm nhạc; Điện ảnh; Văn học; Nghệ thuật truyền thống; Thủ công và nghệ thuật dân gian; Thiết kế; Ẩm thực. TP Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019. TP Đà Lạt sẽ tiếp tục hoàn tất thủ tục để nộp Hội đồng UNESCO vào ngày 30-6-2023.