Đà Lạt: Một nông dân chế tạo máy xay phế phẩm nông nghiệp

Đà Lạt: Một nông dân chế tạo máy xay phế phẩm nông nghiệp

(SGGP 12G).- Với mong muốn tận dụng phế phẩm nông nghiệp để giảm rác thải và phục vụ sản xuất, sau 2 năm mày mò nghiên cứu, anh Vũ Đình Phúc (ở đường Nguyễn Siêu, Xóm Mới, phường 7, TP Đà Lạt) đã chế tạo thành công máy xay phế phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ.

Đà Lạt: Một nông dân chế tạo máy xay phế phẩm nông nghiệp ảnh 1

Anh Phúc đang nói về nguyên tắc hoạt động của máy xay phế phẩm nông nghiệp

Chiếc máy có hai bộ phận chính là băng chuyền và cối xay 3 tầng gắn với 1 mô-tơ điện.

Khi băng chuyền đưa phế phẩm nông nghiệp như lá cải thảo, súp lơ, cỏ… trộn với phân đơn chất đến cối xay thì chúng được cắt nhỏ ở tầng thứ nhất, được nghiền nhỏ ở tầng thứ 2 và được nghiền mịn, trộn đều như phân vi sinh ở ngoài ở tầng thứ 3.

Sau đó, phế phẩm xay ra được đem ủ với các loại men để bón cho cây trồng như phân vi sinh.

Ban đầu, anh làm máy nhỏ thì 8 giờ chỉ xay được 10m3 phế phẩm, nhưng bây giờ anh đã cải tiến làm máy lớn hơn đạt công suất mỗi giờ 10m³ phế phẩm và khoảng 7 người làm mới phục vụ kịp cho máy xay.
 
Trước đây, nếu gia đình anh mua một tấn phân bón ở ngoài thì phải mất khoảng 1 triệu đồng, nhưng nay chỉ cần mua 200.000 – 300.000đ phân đơn chất rồi tận dụng phế phẩm nông nghiệp là anh đã tiết kiệm được hơn 700.000đ tiền phân bón cho 1ha rau, hoa.

Tuy nhiên, điều anh trăn trở nhất hiện nay là giá thành lắp đặt máy còn cao với khoảng 30 triệu đồng nên nhiều người dân trong vùng chưa có điều kiện để mua.

Mong muốn của anh là bây giờ được các cơ quan chức năng giúp đỡ nghiên cứu và hoàn thiện về kỹ thuật để chiếc máy đến được với nhiều nông dân, từ đó giúp thành phố giảm rác thải và hạn chế tình trạng đất bạc màu, chai cứng tại các vùng sản xuất nông nghiệp.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục