Theo ghi nhận, cơ quan chức năng đã tổ chức lực lượng cắm chốt tại phía trước khu du lịch thác Datanla (cách đầu đèo phía trên khoảng 3km) và chốt tại khu vực tiếp giáp với cao tốc Liên Khương – Prenn (chân đèo Prenn), tất cả các phương tiện được phân luồng đi theo đèo Mimosa hoặc đường qua khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Tại km225+800 trên đèo Prenn (vị trí sạt lở sau mưa lớn chiều 1-4), cơ quan chức năng đã cưa hạ 15 cây thông ba lá tại taluy dương của đèo để hạn chế nguy cơ cây ngã đổ.
Ghi nhận tại hiện trường, các cây thông đứng cheo leo bên bờ taluy có thể ngã đổ bất cứ lúc nào, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện qua đèo Prenn.
Được biết, cơ quan chức năng sẽ cho phép các phương tiện lưu thông bình thường trở lại sau khi xử lý xong nguy cơ mất an toàn tại vị trí sạt lở.
Đèo Prenn dài 7,37km, được nâng cấp mở rộng từ 2 lên 4 làn xe, đưa vào hoạt động trở lại đầu năm 2024. Bên cạnh một số đoạn đã được xây dựng taluy bằng kè bê tông cốt thép, nhiều đoạn vẫn chưa làm bờ chắn nên nguy cơ sạt lở vẫn hiện hữu tại các mái taluy dương.
Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn do Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư; Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả và Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả là nhà thầu thi công.
Theo các chuyên gia, do địa hình khu vực đã bị thay đổi nên sẽ cần thêm thời gian để phần địa chất trên tuyến đèo ổn định trở lại. Hiện TP Đà Lạt cũng đã cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở tại vị trí trên.
Sau khi nâng cấp, mở rộng đèo Prenn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung, đặc biệt là giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông trong các ngày cao điểm lễ, tết tại khu vực cửa ngõ TP Đà Lạt.