Tôi lướt vào trang web của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, chợt thấy một cái tên quen quen. Người mang cái tên này, được đưa tin trên trang web, vì ông đã mang số tiền phúng điếu trong đám tang bố ông đến ủng hộ cho Quỹ Bảo trợ bệnh nhân nghèo.
Đã lâu không gặp, vì từ khi ông nghỉ hưu chúng tôi ít có dịp nhau. Nhưng tôi biết ông đã lâu, vốn là một doanh nhân nổi tiếng trong cả nước, từng được phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhưng có lẽ nhiều người chưa biết về ông còn là một người đàn ông mau nước mắt. Có điều, nước mắt của ông chỉ rơi khi nghe về những mảnh đời bất hạnh, những tấm gương vượt khó và đặc biệt là những câu chuyện về đồng đội của ông năm xưa trên chiến trường chống Mỹ.
Mà đồng đội của ông, theo tôi hiểu thì dường như là tất cả những người tham gia vào cuộc chiến tranh vĩ đại này, từ những người cùng đơn vị, những người lính năm xưa trên các mặt trận, những người thanh niên xung phong xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…
Có lần, khi đi cùng ông trong một chuyến công tác, ngồi trên xe đọc bài báo viết về cuộc sống vất vả hiện tại của các o (cô) thanh niên xung phong ở Ngư Thủy (Quảng Bình) hào hùng ngày nào, ông đã rưng rưng nước mắt. Ngay lập tức ông quyết định mời các o vào TPHCM tham quan, tổ chức gặp gỡ và nói chuyện truyền thống với thanh niên trong công ty, may quần áo mới, tặng quà cho các o.
Đồng đội của ông còn là một người lính nào đó, trong hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ mà báo chí lên tiếng, biết được, ông sẵn lòng giúp đỡ khi có điều kiện. Phải nhìn vào mắt ông khi thấy họ, thấy những con người một đời vất vả, thấy những cháu bé con của những người lính bị nhiễm chất độc da cam đang vật vã đau đớn, mới cảm nhận được nỗi đau thăm thẳm trong lòng ông. Ông buồn bã bảo, chiến tranh đi qua đã lâu mà những con người ngày xưa không tiếc máu xương với đất nước giờ vẫn còn khó khăn, lay lắt, ông cảm thấy mình có lỗi vì không làm được nhiều hơn để giảm bớt những nỗi đau sau chiến tranh.
Và nhiều đồng đội của ông rải rác đâu đó các tỉnh phía Bắc biết tin ông thành đạt đã gửi con cho ông nuôi dạy. Có lần, hai đứa trẻ lặn lội từ ngoài Bắc vào tìm đến nhà ông, giới thiệu là con một người bạn, gia đình khó khăn muốn ở lại với ông để được giúp ăn học. Ông giữ lại nhà, cho ở cùng phòng với con gái ông, chăm lo như con mình.
Đôi khi tôi tự hỏi, làm sao ông có thể rộng lượng để có những thời điểm nuôi đến 6-7 đứa trẻ là con của đồng đội mình gửi vào. Nhà tôi có hai mẹ con nhưng chỉ cần thêm một người khách đến ở vài ngày, ra vào đụng nhau là tôi đã khó chịu. Lại còn phải làm lụng, kiếm tiền chia sẻ miếng ăn hàng ngày cho những người xa lạ, không phải là điều dễ dàng. Thậm chí, có những khi người nhà ở quê ra, ngại phiền hà tôi còn sẵn sàng chi tiền cho họ ở khách sạn trong mấy ngày, biếu chút tiền quà khi họ về quê, vì như thế cảm thấy dễ chịu hơn. Thế mà suốt nhiều năm ròng ông nuôi con của bạn bè, lo cho chúng ăn học nhưng chẳng ta thán điều gì. Có thời điểm khó khăn, ông có tiền thì việc đầu tiên là lo mua mấy bao gạo để dự trữ, có gì không sợ các cháu đói. Hai đứa trẻ ngày nào ấy giờ đã lớn, ông lo tìm việc làm ổn định, dựng vợ gả chồng cho chúng.
…Nhìn số tiền ông trao cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo có lẻ đến ngàn đồng không khỏi bồi hồi. Con người ông vẫn thế, nóng nảy và trung trực, lúc nào cũng muốn làm một cái gì đó có ích cho mọi người. Thế rồi tôi gọi điện thoại cho ông, giọng ông trả lời lẫn trong tiếng máy may công nghiệp chạy xè xè… Lạ thật. Và ông giải thích, nghỉ hưu rồi nhưng có xí nghiệp may tại miền Tây làm ăn không hiệu quả, anh em nhờ ông giúp để bằng kinh nghiệm của mình ổn định việc làm, nâng cao tay nghề và tăng thu nhập cho công nhân.
Thế là từ một tổng giám đốc lẫy lừng có trong tay mấy chục xí nghiệp may mặc lớn, nhiều liên doanh làm ăn với nước ngoài, sở hữu thương hiệu thời trang nổi tiếng Vtec, Vee Sendy…, ông lại không nề hà khăn gói về cái xí nghiệp nhỏ ở miền Tây ấy để vực nó dậy, vì với ông, tạo thêm việc làm cho cả ngàn lao động nơi đây ổn định cũng là một việc làm hữu ích cho xã hội, là việc thiện cần phải làm trong đời.
HOÀNG QUÂN