Đã khắc phục xong sạt lở, thông tàu hầm đường sắt Chí Thạnh

Trưa 31-5, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban quản lý dự án 85 (Bộ GTVT), cho biết, đến 10 giờ 20 các đơn vị thi công đã thông được hầm đường sắt Chí Thạnh sau 10 ngày khắc phục sạt lở.

“Hiện, các đơn vị thi công đang rà soát để xử lý đảm bảo an toàn tàu chạy. Khoảng 11 giờ trưa nay (31-5) sẽ tiến hành thông tàu”, ông Hoài gửi thông tin.

z5493583302254_1551b5c14a27fbb296c8ab9744128588.jpg
Hầm đường sắt Chí Thạnh đã thông sau 10 ngày khắc phục sạt lở. Ảnh: XUÂN HUYÊN

Theo ông Hoài, hiện đơn vị vẫn đang duy trì 200 công nhân, kỹ sư tại hiện trường để hỗ trợ các công tác xử lý thời điểm sau thông hầm, thông tàu.

“Sau khi thông tàu, đơn vị sẽ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố có thể gây nguy hiểm cho hầm đường sắt Chí Thạnh như kết cấu bê tông vỏ hầm, địa chất khu vực hầm… để có giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn bền vững công trình”, ông Hoài thông tin thêm.

Lúc 10 giờ 30, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết: “Chúng tôi đang làm thủ tục chuẩn bị cho chạy thử tàu công trình trước nhằm đảm bảo an toàn khi thông tàu”.

z5493583276490_15d4c1223179e2091a43b8419d42c222.jpg
Các đơn vị thi công đang hoàn tất các phần việc còn lại chuẩn bị thông hầm, thông tàu đường sắt Chí Thạnh

Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị huy động 40 nhân lực, máy móc khắc phục hầm đường sắt Chí Thạnh – cho biết, khối lượng sạt lở hầm Chí Thạnh khoảng gần 400m³, lớn hơn rất nhiều so với sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió trước đó.

“Đất đã phong hóa hoàn toàn, rất dễ xảy ra sạt lở liên hoàn nếu không có biện pháp thi công phù hợp. Thêm vào đó, vị trí miệng hầm không có hướng tiếp cận bằng đường bộ nên để đưa máy móc vào vị trí thi công phải đi vòng theo đường sắt”, ông Đông cho biết.

Để khống chế khối đất đá nguy cơ sạt đổ, đơn vị thi công sử dụng phương pháp neo tạo ô kết hợp phun vữa bê tông để gia cố vòm hầm, đồng thời bơm vữa lấp đầy các khoảng trống trong lòng đất do khối sạt gây ra. Phương pháp khoan đào từng phần tiến trên đỉnh vòm hầm để thông hầm trước, sau đó đào mở rộng và hoàn thiện, gia cố.

z5483705271175_c71d9c7dabee15f2b5500d64d2149f92.jpg
Các đại diện, lãnh đạo đang trao đổi phương án khắc phục sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh

Như Báo SGGP đưa tin, ngày 21-5, trong quá trình cải tạo, gia cố hầm đường sắt Chí Thạnh (đoạn qua huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; do Ban Quản lý dự án 85 thực hiện), một vị trí sâu trong hầm đường sắt bất ngờ sạt lở, vùi lấp 2 toa xe công vụ.

Sau sự cố, Cục Đường sắt Việt Nam huy động 110 nhân lực cùng phương tiện khắc phục hậu quả. Đến ngày 26-5, trong lúc đang thi công, hầm đường sắt Chí Thạnh tiếp tục bị sạt lở 2 đầu Bắc Nam với khối lượng 10m3 đất, đá.

Do khối lượng khắc phục rất lớn nên Ban quản lý dự án 85 huy động thêm 40 nhân lực, cùng 10 thiết bị, máy móc từ Tập đoàn Đèo Cả để hỗ trợ khắc phục.

z5483705285846_c137f711e4f4846227c36540940ff130.jpg
Huy động thêm nhân lực, phương tiện hỗ trợ xử lý sạt lở

Được biết, hầm Chí Thạnh là 1/10 hầm đường sắt nằm trong dự án cải tạo, gia cố hầm đường sắt Bắc Nam mà Bộ GTVT đang thực hiện, tổng vốn 7.000 tỷ đồng. Hiện, Bộ GTVT đã cải tạo, gia cố được 9 hầm, còn lại 2 hầm là hầm Chí Thạnh và hầm Bãi Gió.

IMG_0723.jpeg
IMG_0722.jpeg
IMG_0724.jpeg
Thông tàu qua hầm đường sắt Chí Thạnh

Tin cùng chuyên mục