Thiết bị trên có tên gọi là “da điện tử đồng bộ” (ACES), được làm từ 100 thiết bị cảm biến nhỏ và có kích cỡ khoảng 1cm². Theo các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Singapore, thiết bị có thể xử lý thông tin nhanh hơn hệ thống thần kinh của con người, khi có thể nhận diện được 20-30 loại kết cấu bề mặt khác nhau; đọc chữ nổi với độ chính xác lên tới hơn 90%.
Trưởng nhóm nghiên cứu Benjamin Tee cho hay, con người cần phải miết vào đồ vật mới có thể cảm nhận được kết cấu bề mặt, song “da điện tử” chỉ cần chạm nhẹ một lần là xác định được các loại kết cấu dựa trên mức độ thô ráp khác nhau. Bên cạnh đó, các thuật toán trí tuệ nhân tạo cũng góp phần giúp thiết bị học hỏi nhanh chóng. Trong một ví dụ chứng minh về khả năng cảm nhận nhạy bén của thiết bị, “da điện tử” có thể phân biệt giữa quả bóng mềm và quả bóng nhựa cứng.
Thành công này được kỳ vọng sẽ cho phép những người lắp chi giả có thể cảm nhận được đồ vật, kết cấu vật liệu, nhiệt độ hay thậm chí là cảm giác đau như người thường.
Theo nhà nghiên cứu Benjamin Tee, ý tưởng trên được lấy cảm hứng từ bộ phim Star Wars. Trong phim, nhân vật Luke Skywalker đã bị mất đi bàn tay phải và được thay thế bằng bàn tay robot, giúp anh lấy lại các cảm giác bình thường. Dù công nghệ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, song đã nhận được rất nhiều sự chú ý, nhất là từ cộng đồng y khoa.
Trước đó, nhóm nghiên cứu cũng đã phát minh ra một số sản phẩm hữu ích như da trong suốt có thể tự lành khi bị rách, vật liệu phát sáng cho các thiết bị điện tử đeo trên người…