Trong đó, 2 trong số 3 vụ việc gần như chưa có tiền lệ trong giới. Câu hỏi đặt ra: Liệu đến lúc chúng ta cần một luật cho hoạt động mỹ thuật thay vì Nghị định 113/2013/NĐ-CP hiện hành?
Vài năm trở lại đây, thị trường mỹ thuật trong nước lẫn tranh Việt trên các sàn đấu giá quốc tế liên tục phá kỷ lục về giá. Mỹ thuật, nhất là các tác phẩm hội họa trở thành kênh đầu tư lớn, được nhiều người quan tâm, thanh khoản tăng nhanh và mạnh. Cùng với đó, dư âm của triển lãm “Hồn xưa bến lạ”, được nhà đấu giá Sotheby’s danh giá lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào trung tuần tháng 7 vừa qua khá tốt. Nhiều nhà sưu tập mỹ thuật nhìn nhận, sự kiện trên như cuộc thăm dò thị trường của một “ông lớn” trên sàn đấu giá quốc tế tại Việt Nam. Và rất có thể, đây là bước mở màn trước việc họ sẽ thành lập một chi nhánh dành riêng cho thị trường Việt Nam, như đã từng thực hiện ở Indonesia hay Thái Lan trước đây.
Tuy nhiên, vết gợn tại thị trường mỹ thuật Việt vẫn tiếp diễn khi nạn tranh giả, tranh nhái… nhan nhản. Vì thế mà mức giá tranh Việt trên sàn quốc tế dù tăng, nhưng vẫn chưa thể chạm mốc chục triệu USD, mặc dù chất lượng nghệ thuật trong tác phẩm của chúng ta, theo đánh giá của giới chuyên môn quốc tế, là không thua kém một số quốc gia trong khu vực.
Tính vật chất của một tác phẩm hay giá trị của tác phẩm, nhất là dòng nghệ thuật đương đại, gặp nhiều thách thức. Ví dụ, có rất nhiều tranh hay tác phẩm sắp đặt, tác phẩm ý niệm, tác phẩm kỹ thuật số giá trị cao mà ai cũng có thể làm giả, sao chép lại đẹp hơn cả bản gốc, chỉ cần có kỹ năng hội họa. Nhưng những tác phẩm làm lại sẽ không được công nhận vì người ta chỉ công nhận cái sáng tạo đầu tiên. Với một số tác phẩm đương đại, việc bảo đảm quyền sở hữu có lẽ còn quan trọng hơn việc sở hữu tác phẩm vật chất thật sự.
Từ những ví dụ đưa ra để thấy, một luật cụ thể và chi tiết cho hoạt động mỹ thuật đã đến lúc cần được nhìn nhận và tính toán đến. Giá trị và trị giá của tác phẩm mỹ thuật là khác nhau. Cái đẹp trong cảm nhận mỗi người mỗi khác, nhưng việc khẳng định tác phẩm mỹ thuật qua trị giá trên thị trường cũng là động lực thúc đẩy sáng tạo của nghệ sĩ lẫn nhà sưu tập. Và một thị trường muốn phát triển toàn diện, trước hết cần những bước căn cơ, đó chính là luật định cụ thể.
Nếu trước đây, do hoàn cảnh xã hội, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này có phần thiên về quản lý nội dung, tư tưởng. Hiện nay, nhịp sống đương thời đã khác, thị trường nghệ thuật đã có những bước tiến, thay đổi để phù hợp xu thế thì việc tăng cường vai trò quản lý trên nền tảng pháp luật thực sự quan trọng hơn.
Một khi có luật về mỹ thuật, mỗi cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ, từ đó đơn vị hành pháp cũng dễ dàng hơn trong công tác quản lý và xử lý sai phạm liên quan. Tương lai và tiềm năng của thị trường mỹ thuật Việt cũng cần luật để bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ lẫn nhà sưu tập, bởi nạn đạo ý tưởng, tranh chép còn tiếp diễn thì cơ hội bứt phá của giá tranh vẫn chưa thể như chúng ta kỳ vọng.
Tuy nhiên, việc xây dựng luật cũng cần lộ trình nghiên cứu và lắng nghe ý kiến từ giới chuyên môn để phù hợp với hoạt động sáng tạo và thị trường mỹ thuật đang hiện hành. Luật ban hành cũng có thể sửa đổi và bổ sung phù hợp thực tế theo từng thời điểm. Việc lắng nghe ban đầu rất quan trọng, bởi không ít hội ngành nghề trong giới nghệ thuật, người đứng đầu đôi khi còn giật mình khi nghe đến nghị định này, quy định kia…