Doanh nghiệp du lịch

Đã đến lúc ngừng than phiền về chất lượng đào tạo

“Nhà nhà làm du lịch...”
Đã đến lúc ngừng than phiền về chất lượng đào tạo

Ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng mỗi năm hai con số, đứng thứ 5 trong khu vực. Nhưng du lịch Việt Nam lại bị đánh giá là chậm phát triển. Sự liên kết, hợp tác trong đào tạo, phát  triển nguồn nhân lực du lịch chỉ mới  tập trung vào việc khai thác nguồn lực quốc tế. Liên kết đào tạo trong nước giữa 3 nhà (nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp) còn rời rạc, tự phát, chưa bài bản. Trong bối cảnh ấy, Hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội đã được tổ chức tại TPHCM vào ngày 7-3.

“Nhà nhà làm du lịch...”

Đã đến lúc ngừng than phiền về chất lượng đào tạo ảnh 1

Sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch trong gian trưng bày tại hội thảo. Ảnh: LÃ ANH

Hầu như du khách nào lần đầu đặt chân đến nước ta đều có chung nhận xét: Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên đẹp; lịch sử, văn hóa giàu bản sắc; con người cần cù, hiếu khách.

Sự kiện nước ta gia nhập WTO đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho ngành du lịch. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch  Trần Chiến Thắng: “Hoạt động du lịch đa dạng, phong phú hiện diện ở hầu hết địa phương; một số địa phương đã có hiện tượng “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch”.

Chính vì tình trạng phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng chưa đảm bảo, đặc biệt là về chuyên môn nghiệp vụ đã khiến cho rất nhiều du khách chỉ dừng chân một lần ở “điểm đến an toàn, thân thiện” (danh hiệu của Việt Nam) rồi ra đi mãi mãi. 

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch dã ngoại Lửa Việt, so sánh: Siem Reap (Campuchia) chỉ có mỗi Angkor Watt được công nhận là di sản thế giới lại đón hơn 2 triệu khách mỗi năm (chỉ riêng tiền vé họ đã thu được gần 80 triệu USD), trong khi khu vực miền Trung Việt Nam có đến 4 di sản thế giới (Mỹ Sơn, Hội An, Huế, Phong Nha – Kẻ Bàng), chưa kể di sản văn hóa phi vật thể thế giới (nhã nhạc cung đình Huế) nhưng năm 2007 chỉ đón có hơn 1 triệu khách quốc tế”. Điều này cũng xuất phát từ “chất lượng phục vụ của du lịch Việt Nam còn thấp”, như  nhìn nhận của Bộ GD – ĐT.

Nguồn nhân lực của ngành du lịch được tuyển dụng chủ yếu từ các trường ĐH, CĐ và các trường nghề. “Chất lượng đào tạo của trường chưa đáp ứng nhu  cầu doanh nghiệp. Khi phỏng vấn, thử việc,  chất  lượng chỉ đảm bảo được 40%. Các em được học đủ thứ, toàn những thứ cao siêu, nhưng không ai dạy các em những việc cụ thể từ nghe điện thoại, đóng dấu, rót nước mời khách đến việc đếm khách, giới thiệu, sắp xếp chỗ ngồi trên xe, cảm ơn khách…”- các doanh nghiệp liên tục than phiền.

Bản thân các trường cũng đã nhận thấy “lỗ hổng” trong đào tạo của mình vì cơ sở vật chất – kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện giảng dạy thiếu thốn, chương trình lạc hậu. Thạc sĩ Đỗ Huệ Hương, Trường ĐH Hoa Sen, đánh giá: “Nếu SV các nước chỉ mất 6 tháng trang bị các kỹ năng hướng dẫn du lịch thì Việt Nam mất 4 năm đào tạo”. Mất nhiều thời gian ở học đường để rồi khi vào trường đời,  doanh nghiệp phải đào tạo, bồi dưỡng, bổ túc lại cho các em rất mất thời gian và tốn kém.

Tuyển dụng nhân sự... mỗi ngày

Thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân  lực có chất lượng đang là thách  thức lớn trước yêu cầu của thị trường. Tuyển sinh hàng năm ở các bậc đào tạo của gần 100 cơ sở đào tạo trên cả nước chỉ mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu đào tạo du lịch của xã hội, khoảng 80% nhu cầu thực tế của ngành du lịch.

Theo dự báo, đến năm 2010, Việt Nam sẽ đón từ 5,5 triệu đến 6 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 25 triệu lượt khách nội địa. Số lượng lao động qua đào tạo cần tăng thêm khoảng 19.000 người mỗi năm nhưng hiện nay, tổng số cơ sở đào tạo du lịch chỉ đáp ứng được 13.000  người/ năm. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm gần 60%, số người có trình độ ĐH chỉ có 3,1% trong khi số chưa tốt nghiệp THPT lại chiếm 29,95%.

Trong bối cảnh khan hiếm nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cấp cao, có những nơi như khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội phải tuyển dụng nhân sự… mỗi ngày.

Phó Thủ tướng, Bộ  trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Thiện Nhân, nhấn mạnh: “Sau hội thảo, các cơ sở sẽ triển khai đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và chuyển đổi mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, trong đó có áp dụng chuẩn nghề nghiệp của Australia, châu Âu... đáp ứng nhu cầu nhà  tuyển dụng. Doanh nghiệp đã đến lúc ngừng than phiền về chất lượng đào tạo và tự mình tham gia vào quy trình đào tạo và mạnh dạn đặt hàng với nhà trường”.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ GD – ĐT, Bộ văn hóa – Thể thao – Du lịch sớm có lộ trình thí điểm đánh giá và công bố chất lượng, xếp hạng các cơ sở đào tạo trong năm học tới (2008 – 2009). Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cần có một cuộc họp bàn về những giải pháp tài chính thúc đẩy ngành du lịch đào tạo theo nhu cầu xã hội…

Hồng Liên

Những giải pháp chủ yếu phát triển nhân lực ngành du lịch

- Tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo phát  triển nguồn nhân lực

- Xây dựng chuẩn đào tạo (tập trung vào chuẩn chuyên môn và kỹ năng nghề) và tiêu chuẩn hóa một bước nhân lực du lịch.

- Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng du lịch đảm bảo liên thông và cân đối giữa các ngành nghề, phân bố giữa các vùng miền.

- Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng du lịch về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất kỹ thuật …

- Tăng cường mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo.

Tin cùng chuyên mục