Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng cảnh báo về việc khách Trung Quốc cà thẻ trả tiền hơn 200.000 NDT qua máy POS bất hợp pháp. Đây là thực trạng rất đáng quan tâm. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có giải pháp quản lý.
- PHÓNG VIÊN: Nhiều chuyên gia đã cảnh báo từ lâu về tình trạng du khách Trung Quốc sang Việt Nam đông nhưng tại các cơ sở khép kín do người Trung Quốc làm chủ phục vụ khách của họ, từ đó, không tránh khỏi chuyện du khách thanh toán bằng ngoại tệ hoặc thanh toán chui qua máy POS, ví điện tử... tức họ có thể né các loại thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt... Ông nghĩ sao về thực trạng này?
* Ông PHẠM TẤT THẮNG: Vừa qua, chúng ta chú trọng phát triển du lịch, có nhiều giải pháp để quảng bá du lịch, tập trung nhiều thị trường khác nhau và đã có kết quả. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 năm gần đây tăng rất nhiều, đáp ứng kỳ vọng về tăng số lượng. Tuy nhiên, đã đến lúc phải xem lại việc tăng số lượng và chất lượng có song hành với nhau không. Thực ra vừa qua, chúng ta tăng trưởng khách quốc tế nhưng lại không tăng ở những thị trường hứa hẹn như Tây Âu vì họ có thời gian lưu trú dài hơn, mức chi tiêu lớn hơn; bản thân họ cũng là du khách có ý thức giữ gìn môi trường, văn hóa của chúng ta...
Khách Trung Quốc thời gian qua tăng lên nhiều và phải xác định đây cũng là nguồn khách quan trọng để chúng ta tăng trưởng về số lượng. Nhưng như dư luận phản ánh, khi tăng khách Trung Quốc thì đã có những hệ lụy không mong muốn, thậm chí là liên quan đến vấn đề chủ quyền. Điển hình vừa qua là vụ du khách Trung Quốc mặc áo “đường lười bò” đến Việt Nam; hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc lịch sử, chủ quyền Việt Nam; khách Trung Quốc cũng có nhiều ứng xử không văn minh, văn hóa ở môi trường.
Bên cạnh đó, vấn đề hiệu quả kinh tế cũng là điều đáng quan tâm khi chúng ta phải nói quá nhiều về những tour du lịch 0 đồng của du khách Trung Quốc. Toàn bộ hoạt động tổ chức tour là do các doanh nghiệp Trung Quốc đứng ra. Những chi trả ở Việt Nam cũng không diễn ra trên địa bàn Việt Nam mà diễn ra trên hệ thống thẻ thanh toán của Trung Quốc, qua hệ thống tín dụng của Trung Quốc, kể cả việc ăn uống ở nhà hàng, đặt khách sạn, mua đồ lưu niệm… Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, người dân Việt Nam sẽ không được hưởng lợi bao nhiêu từ việc phát triển khách Trung Quốc.
Đã đến lúc cần đặt vấn đề: Liệu chúng ta có cần phát triển lượng khách Trung Quốc đông mà với hiệu quả như vậy hay không? Hoặc nếu họ sang đông, với cách thức như thế thì chúng ta phải có giải pháp quản lý như thế nào? Phải có các ký kết, đàm phán ra sao với các đối tác du lịch để bảo đảm hoạt động chi tiêu của du khách phải diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam. Vì nếu khách đến đông, chúng ta phải chịu sự quá tải về hạ tầng du lịch, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường mà không được hưởng lợi bao nhiêu thì nói thật, chúng ta không tăng trưởng du lịch theo kiểu đó làm gì.
- Chuyện du khách Trung Quốc thanh toán bằng ngoại tệ hoặc thanh toán chui qua máy POS, ví điện tử... đã diễn ra từ lâu. Nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay chưa có quy định về mặt pháp lý để thực hiện thanh toán thông qua các loại ví điện tử của Trung Quốc như Alipay, WeChat tại Việt Nam. Theo ông, chúng ta có thể có quy định như thế nào về việc này?
* Tôi cho đây là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp du lịch với nhau. Nhưng dĩ nhiên, cơ quan quản lý cũng phải có giải pháp, ở đây là ngành du lịch, ngành ngân hàng phải có giải pháp, định hướng để cho các đơn vị du lịch thực hiện. Ví dụ quy định du khách phải có chi tiêu ở Việt Nam. Khi khách vào Việt Nam thì phải có đối tác ở Việt Nam nhận hợp đồng để đưa khách với những điều kiện tiên quyết khi ký hợp đồng. Ví dụ, du khách phải có hoạt động chi tiêu ở Việt Nam với tỷ lệ nhất định nào đó; hoặc có những hoạt động trong tour du lịch trên lãnh thổ Việt Nam thì phải thực hiện chi tiêu ở Việt Nam. Tôi cho rằng đó vừa là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, vừa là giải pháp kỹ thuật của các doanh nghiệp du lịch.
Cơ quan quản lý cần sớm có những quy định cụ thể mang tính bắt buộc để các doanh nghiệp phải thực hiện. Còn các doanh nghiệp cũng phải nghĩ đến lợi ích quốc gia chứ không chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt là mình nhận được một tour khách Trung Quốc thì được hưởng lợi nhuận bao nhiêu trên đầu người. Tôi cho rằng, với thực tế như hiện nay thì các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng không được hưởng lợi nhuận nhiều so với tổng chi phí của tour du lịch đó. Vì thế, các doanh nghiệp cần trách nhiệm hơn với lợi ích quốc gia bởi khi du lịch phát triển bền vững thì cũng đồng nghĩa với lợi ích của doanh nghiệp. Khi du lịch phát triển bền vững thì lợi ích của doanh nghiệp du lịch cũng được bảo đảm. Cần hiểu rằng chúng ta đã qua giai đoạn tăng trưởng về lượng, đã đến lúc cần chú trọng về chất.
* Tức là theo ông, hoàn toàn có thể đưa ra những quy định trong vấn đề này?
- Chúng ta hoàn toàn có thể có những giải pháp mang tính chất quy định cũng như kỹ thuật để xử lý vấn đề này. Những hoạt động diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam thì phải thực hiện chi tiêu trên lãnh thổ Việt Nam. Những chi phí lưu trú, ăn uống, mua vé tour ở Việt Nam thì phải thực hiện thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là những quy định hoàn toàn có thể đưa ra mà không vi phạm bất cứ cam kết quốc tế nào.