Hiện nay, thực phẩm chay được kinh doanh phổ biến ở nhiều kênh phân phối, từ hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị... đến chợ truyền thống.
Nhiều thương hiệu mới
Ngày nay, ăn chay không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn trở thành một nét văn hóa ẩm thực độc đáo, truyền thống của người Việt Nam. Những bữa chay với các món ăn thanh đạm từ rau củ quả, không chỉ giúp đổi vị sau những bữa tiệc tùng, liên hoan mà còn rất tốt cho sức khỏe.
Chị Phạm Trần Nhã Linh (cư ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Nhiều người tìm đến thực phẩm chay không chỉ vì mục tiêu tín ngưỡng, tôn giáo mà còn vì yêu cầu sức khỏe, muốn thanh lọc cơ thể trong bối cảnh thực phẩm mặn vào thời điểm này vẫn chưa hoàn toàn đảm bảo 100% quy trình chăn nuôi, giết mổ an toàn thực phẩm”.
Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm chay tại thị trường TPHCM
Trong dịp mùa lễ Vu Lan năm nay, ghi nhận tại thị trường TPHCM, các sản phẩm chay sản xuất trong nước rất đa dạng về chủng loại và phong phú mẫu mã nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong đó, có thể kể đến những thương hiệu thực phẩm chay được người tiêu dùng chọn lựa như Âu Lạc, Vissan, Cầu Tre, Xuân Hồng, Ngọc Liên, Song Hương…
Trên thị trường cũng xuất hiện một số doanh nghiệp mới đang nỗ lực khẳng định thương hiệu là Hoa Đăng, SG Food, Cát Tiên, Am La, Đại Dũng...
Trên thị trường, doanh nghiệp trong nước đã phân phối và đưa hàng đến hầu hết các tỉnh, thành phố thông qua các hệ thống bán lẻ như Co.opmart, Big C, Lotte Mart, SatraFood, Co.opFood... Đồng thời, trên thị trường cũng ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng xanh - sạch - an toàn thực phẩm của người dân.
Các sản phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng trên thị trường là các dòng sản phẩm lạnh, ăn liền, khô, nước, gia vị và đóng hộp. Trong đó, sản phẩm chủ yếu được chế biến từ nguyên liệu rau củ quả hạt các loại; hoặc đồ khô như chà bông nấm sợi, thịt vịt chay, khô gà cay chay... có giá bán từ 14.500 - 59.000 đồng/sản phẩm, tùy loại. Riêng các dòng sản phẩm như chả giò chay, há cảo chay, bánh xếp chay... có giá từ 45.000 - 69.000 đồng/sản phẩm cũng rất hút hàng do tính tiện lợi.
Hàng quán chay nở rộ
Bên cạnh những sản phẩm thực phẩm chay công nghiệp hay đã chế biến, sơ chế sẵn có mặt khắp nơi thì hàng quán chay cũng ngày càng xuất hiện nhiều. Ngay cả các nhà hàng, khách sạn cũng đưa các món chay vào thực đơn phục vụ ẩm thực. Đặc biệt, để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của thực khách, nhiều quán chay đã đa dạng về cả món ăn và hình thức trang trí; đồng thời đầu tư và nâng cao tính sáng tạo, nghệ thuật tạo ra những hương vị mới lạ để phục vụ người tiêu dùng.
Trong đó, có thể kể đến một số hàng quán chay nổi tiếng tại TPHCM được người tiêu dùng biết đến như: Nhà hàng Việt chay (quận 3), Thuyền Viên (Phú Nhuận), Định Ý (quận 1)... phục vụ thực đơn chay tất cả các ngày từ sáng đến tối, với giá dao động từ 35.000 - 90.000 đồng/phần. Một số nhà hàng, khách sạn cao cấp cũng giới thiệu đến người dân thành phố những thực đơn chay độc đáo kết hợp chương trình ca múa nhạc dân tộc như: Kim Đô, Bông Sen, Metropole... với giá vé trung bình 249.000 đồng/người lớn và 199.000 đồng/trẻ em.
Đại diện nhà hàng Cỏ Nội (quận 1, TPHCM) cho biết, dù mới những ngày đầu của mùa lễ Vu Lan năm 2017 nhưng lượng khách đến nhà hàng sử dụng buffet chay tăng đáng kể so với ngày thường. Vào dịp cuối tuần, nhiều gia đình đặt bàn và mua vé buffet để cùng nhau thưởng thức hương vị độc đáo, thanh đạm của các món chay thuần Việt.
Với mong muốn mang lại cho thực khách những phong cách ẩm thực chay của nhiều nơi khác nhau, ngày càng nhiều nhà hàng, khách sạn, quán chay tung ra thị trường những thực đơn buffet chay đa dạng chủng loại, phong phú nguyên liệu chế biến của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có thể kể đến như: mì xào Phúc Kiến, há cảo hấp Lani, cà ri kiểu Ấn, giả gà Niệm Tâm và mướp đắng nhồi sakê, bắp cải Bát Nhã...
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho rằng: “Thay đổi thói quen tiêu dùng và sản xuất xanh hướng đến phát triển bền vững đang là xu hướng diễn ra mạnh mẽ tại rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các sản phẩm thân thiện với môi trường được xem là một sự đầu tư mới, hiệu quả mà các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển ứng dụng, nhằm mục tiêu tạo ra dòng sản phẩm vừa tốt cho sức khỏe người tiêu dùng vừa hạn chế tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái”.
Cùng quan điểm, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Công ty Nielsen Việt Nam, cho biết: Tỷ lệ người tiêu dùng tại Việt Nam quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe và ít tác động đến môi trường tăng lên hàng năm. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh thương hiệu và hiệu quả kinh doanh. Mặt khác, để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến tại thị trường Việt Nam.