Đó là những vấn đề mà PV Báo SGGP đã trao đổi với TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh và ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương).
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Mỹ đã bắt đầu đánh thuế cao đối với hàng hóa nhập từ một số nước. Vấn đề mà doanh nghiệp hiện nay quan tâm là Việt Nam có cán cân thương mại thặng dư rất lớn với Mỹ, trong khi nhập siêu cao với Trung Quốc. Liệu Mỹ có mở rộng các mức thuế sang Việt Nam không?
![TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Anh2-3b TS. Võ Trí Thành.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/evesfnbfjpy/2025_02_10/anh2-3b-ts-vo-tri-thanh-8979-2342.jpg.webp)
* TS VÕ TRÍ THÀNH: Theo tôi, chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump đối với Canada, Mexico và Trung Quốc sẽ rõ ràng hơn theo thời gian. Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến để ứng phó kịp thời. Nếu các mức thuế của ông Trump được mở rộng sang Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam có thể chịu tác động đáng kể thông qua cán cân thương mại, tỷ giá hối đoái, chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào năm 2024. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Việt Nam và một số nền kinh tế khác được hưởng lợi lớn từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung khi nhiều nhà sản xuất chuyển nhà máy sang Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ. Điều này giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Việt Nam có thể không còn hưởng lợi như trước. Dòng vốn FDI có thể chậm lại vào đầu năm 2025 khi các nhà đầu tư chờ đợi một bức tranh rõ ràng hơn về việc liệu Việt Nam có trở thành mục tiêu của các chính sách thuế quan mới hay không.
Trước đây, các mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam không có tác động đáng kể. Nhưng bước vào năm 2025, Bộ Công thương Việt Nam đã đưa ra hai kịch bản dự báo. Trong kịch bản lạc quan, Mỹ sẽ duy trì chính sách thuế quan hiện tại đối với hàng hóa Việt Nam, trong khi sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng có thể tiếp tục mang lại dòng vốn đầu tư mới, giúp thúc đẩy xuất khẩu.
Ở kịch bản thứ hai, nếu Mỹ áp dụng các mức thuế nghiêm ngặt hơn, kinh tế toàn cầu có thể bị gián đoạn và xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Trung Quốc, một đối tác quan trọng của Mỹ, cũng có thể gặp khó khăn, từ đó tạo thêm áp lực lên nền kinh tế Việt Nam.
* Việc Mỹ đánh thuế cao với hàng hóa từ các nước như Canada, Mexico hay Trung Quốc… có thể dẫn đến trả đũa thương mại. Điều này có ảnh hưởng tới hàng hóa Việt Nam sang các thị trường này không?
![Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Anh3-4 Ông Ngô Chung Khanh.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/evesfnbfjpy/2025_02_10/anh3-4-ong-ngo-chung-khanh-9770-257.jpg.webp)
* Ông NGÔ CHUNG KHANH: Xung đột thương mại vẫn có thể ảnh hưởng gián tiếp đến doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, khi Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc, một số nhà sản xuất Trung Quốc có thể tìm cách chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam để né thuế. Điều này có thể dẫn đến việc Mỹ giám sát chặt hơn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nếu phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ.
Trong quá khứ, Việt Nam đã từng bị áp thuế trừng phạt với các mặt hàng như thép và nhôm vì nghi ngờ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây là một rủi ro mà chúng ta phải theo dõi sát và có biện pháp quản lý chặt chẽ. Hiện tại, Bộ Công thương vẫn đang theo dõi sát sao để đánh giá tác động.
Còn lại, đối với các thị trường khác như Mexico, Canada hay EU, thì tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc không lớn. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước này vẫn tuân theo các cam kết trong FTA, mức thuế ưu đãi vẫn được áp dụng bình thường. Do đó, doanh nghiệp vẫn có thể xuất khẩu sang các thị trường này một cách ổn định, không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ.
* Như trên ông có đề cập lo ngại khi Mỹ đánh thuế cao với hàng Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tìm cách đưa hàng hóa sang Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, né thuế. Ông có thể đánh giá thêm rủi ro này?
* Ông NGÔ CHUNG KHANH: Điều này là một rủi ro có thật và chúng ta đã từng chứng kiến trong thực tế. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Mỹ đã áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vì nghi ngờ có dấu hiệu lẩn tránh thuế từ Trung Quốc. Bây giờ, nếu Mỹ đánh thuế cao với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì hàng Trung Quốc có thể được đưa sang Việt Nam để lắp ráp sơ bộ, đóng gói lại, rồi xuất khẩu sang Mỹ dưới danh nghĩa hàng Việt Nam. Đây là nguy cơ mà Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ để tránh bị Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại.
Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc mang lại lợi ích cho Việt Nam, vì khi Mỹ đánh thuế cao hàng Trung Quốc, nhiều nhà mua hàng sẽ tìm sang Việt Nam để nhập khẩu, tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta có thể hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư dịch chuyển, từ việc mở rộng chuỗi cung ứng và gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, lợi ích này chỉ thực sự bền vững nếu Việt Nam kiểm soát tốt chất lượng đầu tư và ngăn chặn gian lận thương mại.
* Vậy Việt Nam cùng các doanh nghiệp cần làm gì trong bối cảnh này?
* TS VÕ TRÍ THÀNH: Tôi cho rằng, bên cạnh việc theo dõi tình hình và giảm thiểu tác động tiêu cực, Việt Nam cũng có thể tận dụng xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc để duy trì vị thế là điểm đến đầu tư cạnh tranh. Việt Nam cần điều hướng các bất ổn này một cách thận trọng, chủ động ứng phó và nắm bắt các cơ hội mới trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu. Việt Nam vẫn đang duy trì nền tảng tài chính vững mạnh, với nợ công dưới 40% GDP, trong khi hệ thống hạ tầng ngày càng phát triển và khung pháp lý tiếp tục được cải thiện, tạo nền tảng vững chắc để chống chịu với các cú sốc bên ngoài.
Theo tôi, việc xử lý linh hoạt và khéo léo với các đối tác lớn là điều tối quan trọng. Việt Nam có lợi thế trong việc này khi đang là đối tác chiến lược hoặc đối tác chiến lược toàn diện với nhiều cường quốc lớn, đồng thời nâng cao vị thế quốc tế thông qua chính sách ngoại giao khôn ngoan với các cường quốc toàn cầu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao để đa dạng thị trường xuất khẩu.
* Ông NGÔ CHUNG KHANH: Trước tiên, chúng ta không nên quá phụ thuộc vào một thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ, nơi hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nếu bỏ trứng vào một giỏ, đây là một rủi ro lớn. Nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ tập trung vào thị trường Mỹ mà chưa tận dụng hết các FTA đã có. Trong khi đó, các thị trường như EU, Canada, Mexico vẫn còn dư địa rất lớn, nhưng thị phần hàng Việt Nam tại đây vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm có vài phần trăm.
Do đó, doanh nghiệp của chúng ta cần chủ động tận dụng các ưu đãi từ các FTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường ổn định và bền vững hơn; trong nguy có cơ. Chính chiến tranh thương mại sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng bấy lâu nay, chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng từ các FTA mà chúng ta đã ký.