Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM, có đến 98% DN của thành phố là DN nhỏ và vừa. Thế nhưng, việc tiếp cận quỹ đất phù hợp với quy mô sản xuất của DN rất khó. Trước đây, nhiều DN tìm đến các KCX-KCN để thuê đất đầu tư nhà xưởng sản xuất nhưng không có diện tích đất phù hợp, bởi tại đây các khu đất thường có diện tích lớn từ vài hécta đến vài chục hécta. Do vậy, DN phải tìm mua hoặc thuê đất tại các khu vực vùng ven để đầu tư nhà xưởng. Rủi ro phát sinh là, trong trường hợp không phù hợp quy hoạch địa phương, nhà xưởng buộc phải di dời nếu gây ô nhiễm môi trường; cùng với đó là không đáp ứng tiêu chuẩn để gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng quan điểm trên, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cho biết, có 90% DN Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có quy mô sản xuất vừa và nhỏ. Họ cần diện tích nhỏ, khoảng 1.000m², để làm nhà xưởng, nhưng trước đây rất khó tìm ở TPHCM.
Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Quản lý đầu tư các KCN-KCX TPHCM, thông tin, hiện quỹ đất dành cho DN đã đa dạng hơn. Nếu DN có nhu cầu diện tích lớn có thể đến các KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Tân Phú Trung, Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi)…Những DN muốn có quy mô đầu tư trên diện tích đất khoảng 1.000m² có thể đến các KCX Tân Thuận (quận 7), Linh Trung, Bình Chiểu (TP Thủ Đức)… Cũng theo ông Trần Việt Hà, các KCX-KCN: Tân Thuận, Bình Chiểu, Linh Trung (tới đây là Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức) đã đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng để vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của DN, vừa giúp giảm áp lực chi phí vận hành và thuê đất cho DN, nhất là trong bối cảnh DN chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tính đến nay, diện tích đất cho DN thuê đầu tư tại các KCX-KCN trên địa bàn thành phố đã đạt 54,07ha, diện tích nhà xưởng cho thuê đạt 33.032m².
Nói thêm về vấn đế này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM, cho biết, ngoài việc đa dạng quỹ nhà, đất cho thuê ở KCN-KCX, hiện việc tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là vốn vay từ ngân sách với lãi suất ưu đãi đã thông thoáng hơn. Trường hợp DN thuộc những ngành hàng được thành phố khuyến khích phát triển như ngành hàng tiêu dùng nhanh, hàng hóa thiết yếu, logistics, kho đông, kho lạnh, phương tiện vận chuyển…, tùy theo mức đầu tư sẽ được hỗ trợ vay tối đa với lãi suất vay bằng mức bình quân lãi suất đầu vào của 4 ngân hàng lớn cộng với biên độ cho vay thấp hơn ngân hàng. Để giúp DN thực hiện nhanh, chính xác thủ tục vay đầu tư, công ty sẽ có bộ phận chuyên môn phối hợp DN lập dự án, cùng phân tích và tìm giải pháp để nâng cao tính khả thi của dự án đầu tư.
Với động thái nêu trên của TPHCM, nhiều DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa, có khó khăn về vốn đầu tư, nơi làm việc đang kỳ vọng có cơ hội phát triển tốt hơn.