Giúp người dân dễ dàng tiếp cận
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, tính đến cuối tháng 7-2021, thành phố chỉ còn 27 chợ đang hoạt động, chủ yếu ở các huyện ngoại thành, do đó việc cung ứng hàng hóa đã tạo áp lực lên các kênh mua sắm hiện đại. Để giúp người dân tiếp cận hàng hóa thiết yếu, Sở Công thương đã đề xuất lãnh đạo TPHCM một số giải pháp và được chấp thuận triển khai. Theo đó, TPHCM sẽ tăng cường lượng hàng cung ứng ở các điểm bán bởi nhiều điểm bán hiện không có kho dự trữ, người dân mua nhiều dẫn tới thiếu hàng. Ở phương án này, một số điểm bán bổ sung nguồn hàng bằng xe 2 bánh nhằm di chuyển thuận lợi.
So với thời gian trước, phương thức mua bán tại siêu thị sẽ có sự chuyển đổi để phù hợp hơn. Trước đây các siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán trực tiếp cho người dân qua phiếu thì nay chuyển sang bán hàng đăng ký trước và các hệ thống phân phối như Saigon Co.op đã có kế hoạch triển khai. Với hình thức này, người dân sẽ đăng ký trước thông qua giỏ hàng (combo), đơn vị cung cấp sẽ có sự chuẩn bị đầy đủ, thuận tiện hơn, số lượng nhiều hơn. Ngoài các giải pháp trên, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, thành phố tăng số lượng xe tải, tổ chức các điểm bán hàng lưu động đến một số địa bàn thực sự khó khăn. Theo ông Phương, hiện Sở Công thương tăng đầu xe di động lên 50 xe và sẽ tiếp tục tăng lên 100 xe. Tuy nhiên, để thực hiện hình thức này, các quận huyện phải đứng ra đăng ký cho tiểu thương lấy hàng, chủ động bán, đồng thời tham gia giám sát nguồn hàng và giá cả.
Chỉ trong 16 ngày (từ ngày 11 đến 27-7), TPHCM đã tổ chức 1.054 điểm bán hàng lưu động với 1.191 lượt xe bán hàng. Trong số này, Sở Công thương trực tiếp tổ chức 362 điểm bán với 513 lượt xe (1 điểm bán có thể bố trí 1-2 xe theo nhu cầu sản phẩm), phân bổ theo nhu cầu của các quận huyện, TP Thủ Đức, cung cấp hơn 215 tấn hàng hóa và 292.000 quả trứng đến người dân.
Doanh nghiệp chủ động vào cuộc
Cùng với sự nỗ lực của các sở ban ngành, nhà phân phối hiện đại trên địa bàn đã và đang tích cực tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân. Điển hình nhà bán lẻ Saigon Co.op, khi dịch mới bùng phát trở lại đã thực hiện nhiều giải pháp như: kịp thời đưa thêm 7.000 sản phẩm thiết yếu phục vụ mua sắm online, không tăng giá hàng thiết yếu, tăng cường món ăn chế biến sẵn, phát phiếu hẹn giờ cho khách hàng. Những giải pháp kịp thời của Saigon Co.op đã giúp việc mua sắm hàng thiết yếu của người dân tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… được thuận lợi, tránh tập trung đông người mà vẫn đảm bảo mua đủ hàng thiết yếu.
Đặc biệt, mới đây, nhà bán lẻ này còn đề xuất phương án mua chung hàng hóa cho người dân tại các khu cách ly, phong tỏa. Theo lý giải của Saigon Co.op, công tác vận chuyển, tập kết hàng hóa từ các tỉnh thành về TPHCM từng bước được khai thông, thuận lợi hơn so với khi mới bắt đầu thực hiện giãn cách nên lượng hàng về các điểm bán đang ổn định và có xu hướng tăng. Tuy nhiên, cái khó hiện nay chủ yếu là khâu phân phối hàng hóa từ siêu thị đến tay người dân.
Cụ thể, do quy định mới về điều kiện hoạt động và danh mục hàng hóa được vận chuyển rất hạn chế khiến hàng loạt shipper tắt app không nhận cuốc dẫn đến việc giao hàng cho khách gặp khó. Bên cạnh các hình thức cung ứng hàng hóa đang thực hiện như: mua sắm trực tiếp tại siêu thị, qua trang web, qua ứng dụng Saigon Co.op, qua kênh đặt hàng hợp tác với các ứng dụng công nghệ, Saigon Co.op đề xuất thêm phương án phối hợp thực hiện đặt mua chung để cung ứng hàng thiết yếu cho các khu phong tỏa, cách ly.
Để thực hiện phương án này, Saigon Co.op sẽ gửi đến các khu vực có nhu cầu danh mục hàng hóa thiết yếu gồm hơn 100 mặt hàng. Cơ quan, tổ chức của từng khu vực sẽ cử đầu mối ghi nhận nhu cầu của người dân rồi tổng hợp thành một đơn hàng chung. Saigon Co.op sẽ tổ chức giao hàng cho đầu mối hoặc có thể nhận tại siêu thị, sau đó phân chia lại cho các cá nhân, hộ gia đình trong khu cách ly, phong tỏa. Lịch đặt và giao hàng sẽ được thống nhất cụ thể, trung bình 2 lần/tuần. Siêu thị cũng khuyến khích các khu phố, khu dân cư khác tạo đầu mối tham gia mua chung để hạn chế tối đa ra đường.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, qua những phương thức kịp thời nói trên, những ngày gần đây, lượng hàng hóa thiết yếu như rau củ, thịt, trứng về các siêu thị tại TPHCM đang ổn định. Đáng chú ý, giá các mặt hàng như trứng, thịt cũng đã giảm nhiều so với thời điểm mới thực hiện giãn cách. Đây là sự nỗ lực rất lớn của sở ban ngành cũng như DN trên địa bàn.