Qua tổ chức thi tuyển chức danh người đứng đầu, TPHCM đã lựa chọn, bổ nhiệm nhiều cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của vị trí đang khuyết một cách công khai, minh bạch, công bằng và chất lượng. Phương thức này cũng hạn chế tiêu cực trong công tác quy hoạch hay bổ nhiệm cán bộ khép kín trong nội bộ đơn vị, địa phương.
Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM Lê Anh Tuấn trao đổi cùng cán bộ, nhân viên bệnh viện |
Sôi nổi tổ chức thi tuyển
Đến thời điểm này, tại TPHCM đã có 7 cơ quan, đơn vị đăng ký và tổ chức thi tuyển 12 vị trí lãnh đạo, quản lý. Kết quả, 6 đơn vị đã hoàn thành công tác tổ chức thi tuyển. Cụ thể, Sở GD-ĐT TPHCM lần đầu tiên tổ chức thi tuyển chọn viên chức giáo dục vào năm 2022, thu hút 14 giáo viên nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí phó hiệu trưởng của 3 trường THPT. Hay như cuối năm 2022, Bệnh viện Mắt TPHCM được bổ sung nhân sự giám đốc sau 2 năm khuyết vị trí này với hình thức thi tuyển. Ông Lê Anh Tuấn (Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM) xuất sắc vượt qua 25 ứng cử viên, trở thành Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM thông qua thi tuyển. Còn tại Sở Công thương TPHCM, cũng từ hình thức thi tuyển, đã kiện toàn được 4 chức danh lãnh đạo cấp phòng.
Trong khi đó, ở cấp địa phương, UBND quận 1 được chọn là địa phương đầu tiên thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý theo Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM. Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh đánh giá, việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đã giúp quận 1 lựa chọn được người có đủ phẩm chất, đáp ứng yêu cầu của vị trí đang khuyết một cách công khai, minh bạch, công bằng và chất lượng. Tham gia thi tuyển chức danh Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1, ông Dương Thanh Bình (khi đó là chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận 1) phải dành thời gian tìm hiểu quy chế thi, nội dung đề thi. Điều này giúp ông đánh giá được tổng thể kiến thức của mình đối với công việc của chức danh thi tuyển; mối quan hệ với các nội dung quản lý khác như quy hoạch xây dựng, trật tự đô thị...; mối quan hệ về quản lý nhà nước với sở, ngành của thành phố. “Việc tìm hiểu trước vị trí, nội dung công việc, những đòi hỏi cao hơn trong giải quyết công việc sẽ giúp người trúng tuyển bắt nhịp, triển khai nhanh công việc khi trúng tuyển. Hình thức thi tuyển công khai là cơ hội để các ứng viên cạnh tranh công bằng vào những vị trí mình mong muốn bằng đúng thực lực”, ông Dương Thanh Bình nhận xét.
Là một trong 3 người trúng tuyển và đảm nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ), thầy Phạm Hải Dương cho rằng, việc tham gia thi tuyển đã giúp các ứng viên có thêm động lực để tìm hiểu rõ thực trạng, chi tiết những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị và chỉ ra nguyên nhân, từ đó đề xuất những giải pháp kịp thời. Việc thi tuyển công khai với những tiêu chí đánh giá rõ ràng, cụ thể cũng giúp lựa chọn, bố trí đúng người, đúng việc, đúng năng lực, đúng tâm, đúng tầm. Quan trọng nhất là việc tự xây dựng đề án công tác của chính cán bộ được bổ nhiệm vào các chức danh quản lý. Thông qua đề án, cơ quan quản lý cán bộ sẽ đánh giá được trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và những định hướng chủ yếu của người được bổ nhiệm.
Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM Lê Đức Thanh trao quyết định bổ nhiệm Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho ông Dương Thanh Bình |
Chọn lựa cán bộ quản lý đủ phẩm chất, năng lực
TPHCM là một trong 22 tỉnh, thành phố trên cả nước cùng với 14 cơ quan Trung ương được chọn thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Việc thí điểm này thực hiện theo Thông báo Kết luận 202 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và Công văn 3135 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc triển khai thực hiện đề án trên. Theo Bộ Nội vụ, sau 3 năm thực hiện, 12/14 cơ quan Trung ương đã tổ chức thi tuyển và tuyển chọn được 42 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng; trong đó cấp vụ có 32 ứng viên, cấp phòng có 10 ứng viên. 19/22 tỉnh, thành phố đã tuyển chọn được 396 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng; trong đó cấp sở có 35 ứng viên, cấp phòng có 361 ứng viên.
Trước đó, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ, trọng tâm là nhằm chọn lựa những cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa X, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 17 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước. Nghị quyết xác định một trong những nội dung tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức là: “Thực hiện việc thi tuyển đối với một số chức danh lãnh đạo gắn với chuyên môn nghiệp vụ trong bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp”.
Đến Hội nghị Trung ương 9 khóa X, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Kết luận 37 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, đặt ra yêu cầu mở rộng việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ vào các chức danh lãnh đạo cấp phòng ở tỉnh, thành phố và cấp vụ ở các bộ, ngành Trung ương; xem xét đưa vào quy hoạch và thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng theo quy hoạch...
Như vậy có thể thấy, thời gian qua, Đảng ta rất chú trọng đến việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo phương thức mới, phù hợp với thực tiễn. Việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cũng đã khích lệ ý chí phấn đấu của mỗi cán bộ, công chức. Từ kết quả bước đầu của địa phương, UBND TPHCM nhận xét, việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương đã tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và giúp phát triển, thu hút, lựa chọn người thực sự có năng lực phù hợp, có phẩm chất chính trị, đạo đức, góp phần thực hiện tốt quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Việc đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý các cấp đã khắc phục tâm lý ngại khó khăn, thiếu chủ động, cục bộ, khép kín trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Để thu hút mạnh mẽ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực, UBND TPHCM có quyết định sửa đổi, bổ sung Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Trong trường hợp đặc biệt, cán bộ, công chức ngoài thành phố vẫn được thi tuyển chức danh quản lý, lãnh đạo tại TPHCM.
* Ông HUỲNH THANH NHÂN, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM:
Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM được thực hiện đúng theo kế hoạch. Các cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn.
Bộ Nội vụ đang tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm triển khai Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Sau khi tổng kết, Bộ Nội vụ sẽ có hướng dẫn việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cho năm 2023 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện và sau khi có hướng dẫn chính thức của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu trình UBND TPHCM về việc thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý trên địa bàn.
* Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:
Việc thi tuyển không chỉ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ mà còn là cơ hội cho các thầy, cô giáo chủ động chọn trường ứng tuyển. Qua thi tuyển cũng sẽ không còn tình trạng có tâm lý cứ cán bộ quản lý về hưu thì đương nhiên đội ngũ kế cận sẽ lên thay.
Tham gia thi tuyển, các ứng viên phải dành thời gian trang bị kỹ lưỡng về chuyên môn và tìm hiểu kỹ về vị trí thi tuyển. Do đó, các ứng viên trúng tuyển không bị áp lực khi đảm trách nhiệm vụ mới được giao, đáp ứng tốt yêu cầu của vị trí công tác. Kết quả bước đầu cũng cho thấy, qua thời gian bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý từ kết quả thi tuyển, các cán bộ đều đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra của vị trí công tác.