Tiêu thụ của người Việt tăng
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA) cho thấy, mỗi năm có xấp xỉ 100 tỷ gói mì được tiêu thụ trên toàn thế giới. Còn theo số liệu của Euromonitor, giá trị của mì gói tiêu thụ trên toàn cầu trong những năm gần đây đã tăng với tốc độ gần 40%, từ 44 tỷ USD (năm 2013) lên 61 tỷ USD (2017). Riêng tại Việt Nam, theo các nghiên cứu thống kê của WINA thì việc sản lượng tiêu thụ mì tăng là do đã có sự tham gia mạnh mẽ của nhiều DN trong và ngoài nước, mang đến nhiều sản phẩm đa dạng cho người tiêu dùng.
Theo một báo cáo được công bố mới đây của Kantar Worldpanel về thị trường mì ăn liền Việt Nam trong 2 quý đầu năm 2019, bình quân khối lượng tiêu thụ mì ăn liền tính trên đầu người mỗi năm tại khu vực nông thôn lên đến 56 gói; ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ là 36 gói. Đáng chú ý, có đến 90% hộ gia đình Việt Nam sử dụng thực phẩm này và bình quân cứ 2 ngày, thị trường lại đón nhận thêm một thương hiệu mì ăn liền mới.
Về giá cả, các nghiên cứu của Kantar Worldpanel cũng chỉ ra, tại kênh chợ truyền thống người tiêu dùng bình quân mua sản phẩm này với giá 4.200 đồng/gói. Trong khi đó, tại cửa hàng tiện lợi và đại siêu thị, họ chấp nhận mua với giá lần lượt là 5.300 đồng và 5.500 đồng/gói. Như chia sẻ của nhiều người tiêu dùng, sở dĩ họ sử dụng mì ăn liền vì tính tiện lợi của sản phẩm, chỉ cần mua dự trữ vài gói mì là họ có thể sử dụng bất kỳ khi nào cảm thấy đói vào mỗi buổi sáng hoặc khuya muộn. Thêm vào đó, giá thành chỉ từ mức 3.500 đồng/gói trở lên cũng là một yếu tố giúp sản phẩm được phần đông người tiêu dùng chọn lựa.
Đa dạng sản phẩm để cạnh tranh
Việc người tiêu dùng tiếp tục chọn lựa mì ăn liền là một sản phẩm tiện lợi phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày đã thúc đẩy DN tăng thêm đầu tư, cũng như gia tăng nghiên cứu cho ra đời sản phẩm mới để cạnh tranh hơn. Bằng chứng là tháng 3-2019 vừa qua, UNIBEN (được biết đến với sản phẩm 3 Miền và Reeva) đã khánh thành thêm một nhà máy sản xuất mới tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 2 (Bình Dương). Như vậy, chỉ trong 3 năm trở lại đây, DN này đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để xây dựng thêm 2 nhà máy tại Việt Nam.
Khi hoạt động hết công suất, mỗi nhà máy có thể cung cấp trên 1,2 tỷ đơn vị sản phẩm/năm cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Các DN khác như Vina Acecook (mì Hảo Hảo), Masan Consumer (mì Omachi, Kokomi) và Asia Foods (mì Gấu Đỏ)… cũng cho thấy sự nỗ lực đầu tư vào mặt hàng này khi liên tục cho ra thị trường những sản phẩm mới, mang tính cạnh tranh cao và có giá cả phù hợp cho số đông người tiêu dùng.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc có nhiều DN tham gia đã tạo sức ép cạnh tranh và đòi hỏi các DN mì gói luôn phải đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, đồng thời bắt kịp xu hướng tiêu dùng như các chủng loại tốt cho sức khỏe, đổi mới bao bì, tăng tiện ích... Đây cũng là lý do các nhà sản xuất liên tục đưa ra các sản phẩm ở phân khúc cao, cải thiện chất lượng, tăng cường quảng cáo, khuyến mãi để tiếp cận người tiêu dùng Việt.
Nhìn lại thị trường có thể thấy, nếu như trước đây mì ăn liền chỉ đơn thuần có vài mẫu mã bao bì, vị cũng không được đa dạng, thì nay ngoài mì gói còn có mì ly, mì tô… với đủ vị chua cay, chay và luôn đặt tính tiện lợi lên hàng đầu để người tiêu dùng dễ dàng sử dụng.
Chị Trần Thắm (một nhân viên thống kê ở TPHCM) chia sẻ, khi đi du lịch chị rất thích chọn mì ly vì sản phẩm này có nắp đậy cải tiến, giúp việc nấu ly mì trở nên dễ dàng, đơn giản hơn rất nhiều. Chính sự chọn lựa sản phẩm mì ly của người tiêu dùng đã khiến nhiều hãng sản xuất tuyên bố chuyển trọng tâm từ mì gói sang mì ly và kỳ vọng doanh thu từ ngành hàng thực phẩm tiện lợi này sẽ mang về hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho họ. Như chia sẻ từ một DN trong ngành, họ đã nghiên cứu rất kỹ về thị trường và nhận thấy việc đầu tư vào sản xuất mì ly là hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay. Vì thế DN này kiên quyết chọn mì ly cao cấp, giá cao để chinh phục thị trường.