Sáng 28-11, Sở Tư pháp TPHCM tổ chức tọa đàm “Các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2018-2021 trên địa bàn TPHCM”.
Gần 20 tham luận của đại diện lãnh đạo MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các sở ngành, quận huyện, các chuyên gia pháp luật đã khái quát lên nhiều phương thức, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các đối tượng, địa bàn có đa dạng thành phần dân cư.
Theo đại diện Công an TPHCM, phương pháp phổ biến để giáo dục pháp luật theo lĩnh vực tại một số địa bàn trọng điểm mà công an các quận, huyện đang tiến hành khu biệt được đối tượng dễ phát sinh các hành vi pháp luật về giao thông, tội phạm, trật tự xã hội. Bằng phương pháp này Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt rà soát, lên danh sách các đối tượng thanh thiếu niên có hành vi lạng lách, đánh võng, tụ tập thành đoàn gây rối trật tự, đua xe… để có phương án phối hợp xử lý.
Huyện Bình Chánh tập trung vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, xây dựng cho người dân các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phong Phú…, góp phần giảm số vụ vi phạm xây dựng; MTTQ TP thì tập trung vào huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên và hòa giải viên cơ sở, coi lực lượng này là nòng cốt tại cơ sở, có khả năng xử lý được các tình huống pháp lý phát sinh trong các đối tượng dân cư…
Ý kiến tham luận tại tọa đàm cũng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu 90% nhân dân tại các địa bàn trọng điểm được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật liên quan đến cuộc sống. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phương thức tuyên truyền qua mạng xã hội, qua đội ngũ báo cáo viên pháp luật và xây dựng các mô hình phổ biến, giáo dục qua gương người tốt việc tốt…