Chính sách với người có công là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc và bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đối với người có nhiều cống hiến cho đất nước. Do đó, triển khai đầy đủ nội dung nói trên đến từng cấp, từng địa phương là điều có ý nghĩa quan trọng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Tám, nhân kỷ niệm 56 năm Ngày Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Hiện nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Hàng năm ngân sách đã dành nhiều ngàn tỷ đồng để thực hiện các chính sách cho con em gia đình chính sách, cũng như mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin vẫn liên tục được đẩy mạnh.
Đi kèm với đó, nhiều năm nay, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công cũng được điều chỉnh nhiều lần, từng bước khắc phục những hạn chế về mức, về nguyên tắc và phương thức điều chỉnh độc lập với chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với điều kiện của ngân sách Nhà nước, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người có công…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chính sách đối với người có công ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định. Đặc biệt, đời sống của một bộ phận gia đình chính sách còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng cũng như những tồn đọng về chính sách trong các cuộc chiến tranh còn rất lớn. Ngoài ra, một số đối tượng cần được hưởng chế độ ưu đãi nhưng chưa được giải quyết kịp thời cũng gây không ít bức xúc trong dư luận.
Việc Hội nghị Trung ương 8 đặt lại vấn đề thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là hoàn toàn phù hợp, có cơ sở cả về thực tiễn và lý luận. Trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, đi nhiều địa phương, chúng tôi vẫn còn nhiều trăn trở. Hiện nay, việc thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng vẫn chưa được như ý muốn.
Quy trình đề ra chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện khá chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn nhưng việc thực hiện chưa nhất quán, nhất là tại những nơi thuộc vùng xa, vùng sâu. Một bộ phận không nhỏ gia đình chính sách, người có công với cách mạng còn sống rất vất vả.
Thậm chí, có những trường hợp gia đình chính sách, người có công không nắm được sự điều chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với người có công nên chịu không ít thiệt thòi do cán bộ cơ sở trễ nải, tiêu cực.
Để thực hiện tốt vấn đề Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 đặt ra về thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng trong giai đoạn hiện nay, theo tôi, yếu tố quan trọng nhất vẫn là các cấp quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công.
Phải nỗ lực hơn nữa để cả xã hội, cộng đồng cùng đồng thuận việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả, là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, cần kiện toàn, củng cố bộ máy làm công tác thực thi chính sách; kiên quyết loại bỏ những người có biểu hiện cửa quyền, hống hách, ban phát đối với đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa và huy động được các nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách với người có công theo kịp đà thay đổi nhanh chóng và bất ngờ của tình hình kinh tế, xã hội. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là thể hiện đạo lý dân tộc, là động lực của sự phát triển đất nước.