Bộ Ngoại giao Thái Lan vừa cho biết nước này đã đệ trình yêu cầu chính thức gia nhập BRICS. Nếu được thông qua, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập khối do Nga và Trung Quốc dẫn dắt.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết nước này quyết định gia nhập BRICS và sẽ sớm thực hiện những thủ tục chính thức. Trong khi đó, Chính phủ Indonesia Retno Marsudi vẫn đang nghiên cứu những lợi ích có thể đạt được khi gia nhập BRICS. Các quốc gia khác như Myanmar và Lào từng bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS.
Nhận định về xu hướng này, TS Joseph Liow, Trưởng khoa Khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nhấn mạnh, việc trở thành thành viên của “ngôi nhà chung” BRICS sẽ mang lại lợi ích về nhiều mặt, bao gồm nâng cao vai trò trên trường quốc tế và tăng cơ hội cùng tạo ra trật tự thế giới mới. Đây là một phần trong tính toán của các quốc gia Đông Nam Á về lợi ích quốc gia.
Trong khi đó, TS Alan Chong, Nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam của Singapore, mô tả BRICS là “một vòng tròn lãnh đạo thay thế khi nói đến quản trị toàn cầu”. Lấy ví dụ về mối quan tâm của Malaysia khi gia nhập BRICS, ông Alan Chong cho rằng đây có thể là một cách để nâng cao chính sách đối ngoại của quốc gia này theo một cách rất đặc biệt.
BRICS được thành lập vào năm 2006, ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập khối vào năm 2010. Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) trở thành thành viên mới của khối từ ngày 1-1-2024. Tổng cộng, nền kinh tế của các thành viên BRICS có trị giá hơn 28.500 tỷ USD, chiếm khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu.
Theo tờ Bloomberg, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, việc gia nhập BRICS là một nỗ lực nhằm giảm thiểu rủi ro kinh tế. Sau đợt mở rộng trong năm nay, BRICS có kế hoạch mời các quốc gia không phải thành viên tham dự hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của khối tại TP Kazan (Nga) vào tháng 10 tới.