Câu chuyện cách nay ít ngày về một thanh niên trẻ câu like bằng cách quay lén bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” tại rạp chiếu và phát trực tiếp trên mạng khiến nhà làm phim điêu đứng. Bởi theo doanh nghiệp thì đây chính là cách “giết chết” ngành sản xuất phim nội địa.
Thực sự, câu chuyện quay lén phim trong các rạp chiếu, tung đĩa lậu ngay khi bộ phim đình đám nào đó vừa công chiếu không còn là chuyện mới, nhưng vấn đề là sau đó mọi chuyện sẽ được xử lý như thế nào? Trở lại vấn đề trên, việc thượng tôn pháp luật, giới trẻ am hiểu và tuân thủ pháp luật đến đâu lại được đặt ra. Theo lý giải của thanh niên phát tán lậu bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” thì chỉ vì ham chơi và muốn chứng tỏ với mọi người, muốn câu “like”, không am hiểu pháp luật nên đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với nhà làm phim… Rõ ràng, lý do này thật khó thông cảm khi mà sự rò rỉ thông tin đã gây ra mức thiệt hại rất lớn, thất thu chưa thể tính toán hết đối với nhà sản xuất.
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên, hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp đáng tiếc như dẫn chứng ở trên, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021. Trong đó, nhấn mạnh từ nay đến năm 2021 sẽ đảm bảo 100% các trường triển khai hiệu quả công tác này. Tuy nhiên, có một thực tế mà bấy lâu nay còn tồn tại dai dẳng ở không ít trường trên cả nước, đó là nội dung rèn luyện mang nặng tính lý thuyết, thiếu thực hành, các bài giảng còn khô cứng, người học thấy mệt mỏi, nhàm chán… Do vậy, các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, ngoài việc đổi mới các nội dung, chương trình giáo dục thì cần phải đa dạng hóa các kênh tuyên truyền; mở rộng các cuộc thi về giáo dục pháp luật; nâng cao chất lượng giảng viên, giáo viên; rèn luyện tính tự giác cho học sinh, sinh viên…