Đa dạng hóa hình thức, mô hình cai nghiện

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, hệ thống các trung tâm cai nghiện ma túy và cơ sở xã hội của thành phố đang được tổ chức lại.

 

Học viên cai nghiện ma túy học tập tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đức Hạnh
Học viên cai nghiện ma túy học tập tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đức Hạnh
 Điều đó tác động thế nào đến 11.385 người cai nghiện đang được quản lý, chăm sóc tại các cơ sở? Xu hướng cai nghiện, biện pháp đối với người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố? Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, về các vấn đề liên quan.
Tạo điều kiện tốt hơn cho người cai nghiện tập trung
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, liệu có sự xáo trộn nào ảnh hưởng đến người đang cai nghiện khi thành phố chuyển đổi, tổ chức lại các trung tâm cai nghiện ma túy?
- Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Việc chuyển đổi hệ thống các trung tâm cai nghiện nhằm thực hiện mục tiêu 3 giảm (giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại) trong phòng chống và cai nghiện ma túy. 13 trung tâm chữa bệnh  - giáo dục - lao động xã hội, cơ sở xã hội của TPHCM sẽ được chuyển đổi thành các cơ sở cai nghiện ma túy, thực hiện từ nay đến năm 2020. Sẽ không thành lập cơ sở mới mà tập trung vào sắp xếp, tổ chức lại về tính chất, chức năng, tên gọi. Trước đây, các trung tâm chủ yếu chỉ cai nghiện ma túy bắt buộc, thì nay các cơ sở sẽ thay đổi theo hướng mở rộng, chú trọng biện pháp cai nghiện tự nguyện. Quy mô tiếp nhận của mỗi cơ sở từ 500 - 2.000 học viên, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, có khuôn viên, nhà ăn, khu vui chơi giải trí. Với điều kiện như vậy, các cơ sở luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu cai nghiện của người nghiện ma túy.
Đa dạng hóa hình thức, mô hình cai nghiện ảnh 1 Ông Lê Minh Tấn
Các cơ sở đóng trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Nông, Lâm Đồng đang quản lý, chăm sóc số lượng khá lớn người cai nghiện. Tôi khẳng định, trong quá trình chuyển đổi, sắp xếp lại, tất cả chế độ, quyền lợi của người cai nghiện ma túy đều được đảm bảo. Mục đích cuối cùng của việc chuyển đổi là để người nghiện ma túy có điều kiện cai nghiện tốt hơn, đa dạng hơn, hiệu quả hơn. Cách làm của TPHCM là chú trọng biện pháp cai nghiện tự nguyện và chú trọng hình thức cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng; mong muốn người dân TPHCM cùng tham gia vào công tác cai nghiện ma túy, hỗ trợ những người lầm lỡ làm lại cuộc đời, giúp họ được cai nghiện trong vòng tay của gia đình, cộng đồng, không bị cách ly với cuộc sống. 
- Vậy người nghiện thuộc diện như thế nào thì phải cai nghiện bắt buộc và người nào thì có thể tự đăng ký cai nghiện?
- Cùng với tổ chức lại các cơ sở cai nghiện, TPHCM đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức, mô hình điều trị nghiện ma túy. 
Với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, các xã, phường, thị trấn phát hiện, đưa họ vào cơ sở xã hội. Tại đây, họ được quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý. Tiếp đó, tòa án nhân dân các quận, huyện sẽ họp xem xét, quyết định áp dụng đưa vào các cơ sở để cai nghiện bắt buộc. Trong hơn 11.300 người đang cai nghiện, có khoảng 8.000 người thuộc diện như vậy. 
Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định tại TPHCM, hình thức cai nghiện chủ yếu là cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng. Hiện nay có gần 1.200 người tự nguyện cai tại gia đình, gần 700 người tự nguyện cai tại cộng đồng. Hơn 1.800 người khác do không tự nguyện nên các xã, phường, thị trấn áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Những người đã cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng xong mà vẫn còn lệ thuộc vào ma túy, tòa án các quận, huyện sẽ xem xét, quyết định đưa họ vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đến thời điểm này, các tòa án quận, huyện đã quyết định đưa 689 người có hộ khẩu ở TPHCM đi cai nghiện bắt buộc trong các cơ sở cai nghiện ma túy. 
Đặc biệt, với nỗ lực tăng số lượng cơ sở cai nghiện tự nguyện của thành phố, giờ đây, người nghiện ma túy có thể tự nguyện đăng ký cai nghiện trong 7 cơ sở là: Cơ sở điều trị nghiện ma túy Thủ Đức (tên cũ là Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy); Cơ sở điều trị nghiện ma túy Bình Triệu (Cơ sở xã hội Bình Triệu); Cơ sở điều trị nghiện ma túy số 2 (Trường 2); Cơ sở điều trị nghiện ma túy số 3 (Trường 3); Cơ sở điều trị nghiện ma túy - Bảo trợ xã hội Phú Văn (Trung tâm Giáo dục - Lao động - Bảo trợ xã hội Phú Văn); Cơ sở điều trị nghiện ma túy Phú Nghĩa (Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Phú Nghĩa); Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đức Hạnh (Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh). 
Hiện nay, TPHCM có 839 người đã trả tiền và tự nguyện vào cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện. Ngoài ra, TPHCM còn có 4.843 người đang điều trị thay thế bằng methadone. 
Thiếu hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện
- Một vấn đề gây ra không ít băn khoăn là cai nghiện ma túy bắt buộc được Nhà nước hỗ trợ chi phí, trong khi cai nghiện tự nguyện lại chưa được hỗ trợ. Vậy, việc khuyến khích cai nghiện tự nguyện liệu có đạt kết quả như mong đợi hay không, thưa ông? 
- Quả là sự khác nhau trong việc hỗ trợ như vậy gây ra không ít băn khoăn, nhất là trong cai nghiện tự nguyện - một phương thức chúng ta đang khuyến khích. Tôi được biết, một số tỉnh, thành đã có biện pháp hỗ trợ chi phí cho người tự nguyện cai nghiện ma túy. Tại TPHCM, sở đã đề xuất hỗ trợ cho người tự nguyện đi cai nghiện ma túy trong vòng 3 - 6 tháng, mức hỗ trợ cho nhiều khoản và ước tính tổng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng. 
- Ma túy tổng hợp đang tràn lan, nhất là trong giới trẻ. Các cơ sở cai nghiện của TPHCM ứng phó như thế nào cho tình trạng này?
- Số lượng học viên là người nghiện ma túy tổng hợp ở các cơ sở đang tăng lên. Hiện nay, số người nghiện “hàng đá” đã chiếm tới 60% trong tổng số người đang cai nghiện và tỷ lệ này chưa dừng lại. Người nghiện ma túy “đá” chịu sự tàn phá trầm trọng, tính khí thất thường, nên đòi hỏi các cơ sở, từng cán bộ nhân viên làm công tác cai nghiện phải đặc biệt quan tâm đối với học viên. Tuy nhiên, cai nghiện mới chỉ là một phần, một giai đoạn. Điều quyết định và cả một chặng đường dài phía trước chính là sự nỗ lực vươn lên, quyết tâm dứt bỏ lối cũ của từng người bệnh và sự quan tâm, chia sẻ, không kỳ thị của cộng đồng trên hành trình giành giật lại từng con người trong cuộc chiến với ma túy. 

Tin cùng chuyên mục