Trong một hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama, Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Dan Tehan và Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ Piyush Goyal cho biết, khuôn khổ mới được gọi là Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI), hướng tới đạt được “sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm” tại khu vực.
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, bộ trưởng 3 nước nhấn mạnh, sáng kiến này sẽ thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số, đa dạng hóa các cơ hội đầu tư và thương mại. Các bên cũng thừa nhận rằng, dịch Covid-19 đã làm lộ ra những điểm yếu trong chuỗi cung ứng và nhấn mạnh cần phải có các kế hoạch giúp quản lý rủi ro, đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh. Các bộ trưởng nhất trí, việc mở rộng SCRI có thể được xem xét dựa trên sự đồng thuận, nếu cần, trong thời gian thích hợp. Năm 2019, tổng GDP của 3 quốc gia nói trên là 9.300 tỷ USD, trong khi giao thương hàng hóa đạt 2.700 tỷ USD và dịch vụ đạt 900 tỷ USD.
Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Khi nước này khởi phát dịch Covid-19 tại Vũ Hán, lập tức chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Những nước phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu, như Mỹ, bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, trong hơn 2 năm qua, vấn đề đa dạng nguồn cung ứng đang được nhiều nước xúc tiến.
Theo một cuộc khảo sát vào trung tuần tháng 4 do Công ty Kiểm toán và tư vấn tài chính Anh - Hà Lan KPMG tiến hành, 2/3 CEO toàn cầu được hỏi cho rằng, họ đã phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng sau khi đại dịch bùng phát. Trong bối cảnh như vậy, các chính phủ và công ty toàn cầu đang xem xét lại nhiều quan điểm về chuỗi cung ứng cũng như áp dụng các cách tiếp cận mới. Sự chuyển đổi này là cơ hội đầu tư mới vào chuỗi cung ứng. Một trong những ưu điểm chính để các nhà đầu tư chọn lựa địa điểm đặt nhà máy là triển vọng ổn định xã hội và an toàn trong chuỗi cung ứng. Những nước nào đáp ứng được 2 tiêu chí này sẽ có nhiều lợi thế .