Sức mua giảm sút, doanh nghiệp khó khăn
Trong nhiều giai đoạn khó khăn trước đây, mặt hàng trứng thường đắt hàng bởi là loại thực phẩm thiết yếu và có giá rẻ; thế nhưng, hiện nay khi tình hình kinh tế khó khăn khiến người dân chi tiêu dè sẻn, mặt hàng này cũng bị sụt giảm sản lượng bán ra. Chia sẻ khó khăn hiện nay, ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thành Đạt, cho biết, ước tính doanh số bán hàng của đơn vị giảm khoảng 20%, trong đó, ế ẩm nhất là kênh tiêu thụ sỉ cho các doanh nghiệp chế biến hay suất ăn công nghiệp.
Thực tế, việc thắt lưng buộc bụng ngày càng rõ rệt hơn khi nhìn vào sức mua các sản phẩm thiết yếu, từ thịt heo, gà... sụt giảm, tiêu thụ vẫn khó khăn. Với hàng hóa không thiết yếu, tình trạng ế ẩm còn phổ biến hơn. Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), quý 1-2023 vừa qua, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành lương thực thực phẩm của thành phố đã giảm 1,75% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm thành phố đang rất khó khăn.
Về nguyên nhân sụt giảm, ông Nguyễn Đặng Hiến cho rằng, do sức mua thị trường nội địa dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất. Thêm vào đó, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao khiến khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm. Ngoài ra, còn xuất phát từ xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp.
Tìm cách kích cầu mua sắm
Trước thực tế sức mua trên thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, các doanh nghiệp sản xuất và nhà bán lẻ đang có hợp tác chặt chẽ với nhau để đưa ra những phương thức kích cầu tiêu dùng mới.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, đơn vị đang tìm cách phối hợp với các nhà cung cấp, xây dựng phương thức kích cầu tiêu dùng mới theo hướng phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung vào các hình thức mặt hàng nhằm kích cầu theo đúng “mùa nào thức đó” và kích cầu chéo, để nhiều mặt hàng cùng được người tiêu dùng quan tâm với giá tốt. Đây cũng là cách để nhà bán lẻ định hình lại nhu cầu, nguồn cung ở các thị trường, quy hoạch lại nguồn nguyên liệu. “Thời điểm này, có những mặt hàng giảm giá chưa chắc khách hàng đã mua. Do đó, phải chọn đúng đối tượng để có giải pháp kích cầu. Bên cạnh đó, chúng tôi làm việc với các nhà cung ứng để đảm bảo nhà cung cấp phát triển bền vững, từ đó có nguồn hàng cung cấp ổn định cho hệ thống”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.
Mới đây, UBND TPHCM đã phát động chương trình khuyến mãi tập trung “Mùa mua sắm năm 2023”. Theo chương trình này, TPHCM cho phép doanh nghiệp tham gia khuyến mãi lên đến 100%. Theo kế hoạch, đợt 1 của tháng khuyến mãi được tổ chức từ ngày 15-6 đến 15-7 với chủ đề “Tưng bừng mua sắm hè 2023” và đợt 2 từ ngày 15-11 đến 31-12 với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa xuân 2023”. Đáng chú ý, chương trình dự kiến sẽ phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức sự kiện phát động chương trình mùa mua sắm bằng phương thức thương mại điện tử; phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tăng cường triển khai các chương trình tiêu dùng không dùng tiền mặt trong thời gian diễn ra tháng khuyến mãi tập trung; phát động triển khai đồng thời các chương trình khuyến mãi du lịch mùa hè và mùa xuân để hình thành các tour, tuyến du lịch điểm có sự tham gia, chia sẻ chi phí và lợi ích của tất cả các thành viên tham gia để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh và thu hút du khách.
Ngoài các giải pháp trên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, đơn vị đang tập trung triển khai các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Thông qua những đợt này, thành phố kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng doanh thu bán lẻ, từ đó tạo động lực để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt hơn.