Mỗi người sử dụng trên 40kg rác thải nhựa/năm
Theo số liệu của Bộ TN-MT, lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam rất cao, chiếm khoảng 8% - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi ni lông, mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng 30 tỷ túi.
Tại Hà Nội và TPHCM, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông thải ra môi trường. Trong số này, chỉ 17% số túi ni lông được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại được thải bỏ sau khi sử dụng một lần. Nếu tính chỉ số rác thải nhựa trên đầu người, đến nay là trên 40kg/người/năm.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại nhiều chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh buôn bán trên địa bàn TPHCM, việc sử dụng các loại túi ni lông, ống hút nhựa, chai nhựa… vẫn còn diễn ra phổ biến. Nhiều người được hỏi đều tặc lưỡi trả lời rằng, người bán đưa sao mình lấy vậy, thời gian đâu mà đòi hỏi túi này, túi kia.
Có thể thấy rằng, túi ni lông và nhựa dùng một lần vẫn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu, đáp ứng công năng bao gói, chứa đựng hàng hóa và giá thành rẻ. Thói quen này có thể đem lại lợi ích trong một thời gian ngắn nhưng sẽ để lại hậu quả lâu dài cho môi trường. Nhìn từ góc độ chính sách về quản lý chất thải nhựa thì còn khá bất cập.
Chất thải nhựa hiện đang được quản lý chung như các loại chất thải khác, chưa có quy định riêng ngoại trừ một số quy định về thuế và ưu đãi thuế liên quan đến túi ni lông. Nhìn nhận một cách khách quan thì chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa chưa tương xứng với mức độ tác động và hệ lụy của nó đến môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe con người, cũng như sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội về vấn đề này.
Cần tiếng nói chung
Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý chất thải nhựa, túi ni lông là vấn đề phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, cùng toàn xã hội. Đồng thời tổ chức triển khai có hiệu quả và nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn; thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý rác thải kết hợp với thu hồi năng lượng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, thu hút sự tham gia hiệu quả của cộng đồng các doanh nghiệp.
Không dừng lại ở đó, cần chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, tiếp nhận vốn, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý chất thải nhựa; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa.
Theo ông Đặng Chương Linh (Bộ Công thương), các sản phẩm rác thải nhựa như túi nhựa, ni lông… khi thải ra môi trường phải mất vài chục năm đến vài trăm năm để phân hủy. Các sản phẩm này nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực cho sức khỏe con người. Vì vậy, để hạn chế việc sử dụng rác thải nhựa, cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội.
Đối với các doanh nghiệp, cần có lộ trình giảm thiểu việc sản xuất túi nhựa sử dụng hàng ngày, hoặc chuyển sang sản xuất các sản phẩm tái chế. Đối với người dân, cần thay đổi thói quen khi đi chợ, có thể dùng túi sử dụng nhiều lần. Về chính quyền, cần tăng cường kiểm tra các hoạt động tái chế, kiểm soát việc sử dụng túi ni lông tại các trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt là các chợ truyền thống.
Chia sẻ về nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết trong kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, thành phố đã đặt mục tiêu giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh; thu gom và tái chế 50% khối lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn, đơn cử như tỷ lệ người dân và tiểu thương tự giác tham gia việc giảm sử dụng túi ni lông chưa cao, còn tập trung thực hiện theo phong trào. Túi ni lông thân thiện môi trường có giá thành cao hơn túi ni lông khó phân hủy nên các tiểu thương vẫn chuộng sử dụng túi ni lông khó phân hủy hơn.
Các đơn vị sản xuất túi ni lông thân thiện không đáp ứng được nhu cầu cung cấp mẫu túi đa dạng cho các cửa hàng nhỏ, lẻ, tiểu thương ở chợ. Và rất khó kiểm soát việc sản xuất, phân phối túi ni lông cũng như việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy. Chính vì vậy, đây là chỉ tiêu khó thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Thành phố phố sẽ phải tiến hành khảo sát lại toàn bộ, đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình, làm cơ sở để triển khai giải pháp tiếp theo.