Các công trình, sáng kiến đến từ nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, truyền thông sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, khoa học cơ bản. Trong đó, các công trình thuộc nhóm nghiên cứu khoa học cơ bản có tính mới ở trình độ quốc gia hoặc quốc tế đang chiếm số lượng áp đảo (18 công trình, giải pháp). Kế đến là các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ mới mang tính sáng tạo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (12 công trình, giải pháp); công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ mới trong đẩy mạnh cải cách hành chính (6 công trình, giải pháp)…
Theo ban tổ chức, các công trình, tác phẩm tham gia Giải thưởng Sáng tạo TPHCM rất đa dạng, mang tính áp dụng thực tiễn cao. Đối tượng tham gia cũng rất đa dạng, từ nhà khoa học, nghiên cứu khoa học đến lãnh đạo các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp (y tế, giáo dục), kỹ sư, công nhân làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công ích của TPHCM. Đặc biệt, trong số các công trình, tác phẩm dự thi còn đứng tên là những người dân, như ông Nguyễn Quang Ngọc (quận Tân Bình) với sáng chế thùng trồng cây; ông Nguyễn Văn Kình (quận Thủ Đức) với công trình, sáng kiến về phát triển vận tải hành khách công cộng; kỹ sư Nguyễn Văn Đực với công trình “Móng bè”… Ngoài ra, nhiều em học sinh cũng đứng tên công trình, sản phẩm tham gia giải thưởng, như nhóm các nhóm học sinh Trường THPT chuyên Thăng Long (Đà Lạt) cũng đăng ký công trình nghiên cứu trồng nấm bào ngư trên hỗn hợp cúc và mùn cưa; công trình nghiên cứu thiết bị lọc khí trên xe đạp khi tham gia giao thông.
Giải thưởng Sáng tạo TPHCM là giải thưởng danh giá nhất của TPHCM, sẽ trao cho các cá nhân, tổ chức người Việt Nam (kể cả đang ở nước ngoài) có các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ sáng tạo góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển TPHCM. Giải thưởng Sáng tạo được trao 2 năm/lần, trên 7 lĩnh vực. Năm nay là năm đầu tiên TPHCM sẽ trao giải thưởng sáng tạo này.