Nắng nóng kỷ lục rơi đúng vào cao điểm nông dân miền Trung bước vào thu hoạch lúa đông xuân và tiến hành làm đất, ngâm ủ giống để gieo trỉa lúa vụ hè thu 2017. Tại Hà Tĩnh, người dân không dám ra đồng từ 9 - 15 giờ mỗi ngày. Giải pháp hữu hiệu được nhiều nông dân áp dụng là chong đèn pin đi làm ruộng ban đêm. Bên cạnh đó, các loại dịch bệnh cũng bắt đầu bùng phát trên các diện tích ao hồ nuôi tôm nước lợ ở ven biển miền Trung.
Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi xảy ra tại 16 xã thuộc 7 huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh với diện tích nhiễm dịch 117,35ha, đặc biệt tại địa bàn huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh là 102,56ha, chiếm 87,4% diện tích bị dịch bệnh. Tại Quảng Trị đã có 15 xã, thị trấn của 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng xuất hiện dịch bệnh này với tổng diện tích hơn 100ha và đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng.
Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, khi phát hiện tôm nuôi bị nhiễm bệnh hoặc chết bất thường, người nuôi phải báo ngay cho cán bộ thú y xã, các cơ quan chức năng; nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch ngay; phương tiện vận chuyển tôm phải đảm bảo không rò rỉ nước hoặc vương vãi tôm ra ngoài môi trường và phải được vệ sinh khử trùng trước và sau khi ra vào vùng dịch…
Ngày 5-6, hầu hết các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và Trung ương tại miền Trung đều quá tải do bệnh nhân, nhất là người già và trẻ em nhập viện vì nắng nóng. Các bệnh viêm đường hô hấp, ngoài da, tiêu chảy, sốt xuất huyết... tăng từ 25% - 30% so với tuần trước, bệnh nhân phải nằm 2 người/giường.
Tại phòng khám Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế mới 8 giờ sáng đã có rất đông phụ huynh mang con đến khám. Nhiều phụ huynh phải ẵm con ra hành lang hóng mát đợi bác sĩ gọi tên bằng loa phát thanh. Bình quân có từ 280 - 300 lượt trẻ dưới 5 tuổi/ngày được phụ huynh từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đưa đến khám... Bác sĩ Phan Xuân Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa nhìn nhận, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của môi trường, thân nhiệt mất ổn định, khả năng đề kháng suy giảm dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh gia tăng, nhất là nhóm bệnh về đường hô hấp…
Mấy ngày qua, bắt đầu từ 10 giờ sáng, các trục đường tại các TP Huế, Hà Tĩnh và Đông Hà đã thưa thớt người qua lại. Người đi trên đường mặc đồ che kín để tránh hơi nóng bốc lên từ mặt đường. Khi nhiệt độ tại các TP miền Trung vượt 400C, nhiều gia đình không có máy điều hòa đã trốn nóng bằng cách chạy đến các siêu thị và sông suối.
Ở Đà Nẵng, người dân tập trung đông ở Công viên 29-3 và các gầm cầu ven sông Hàn. Từ 16 - 21 giờ hàng ngày, hàng ngàn người dân đổ ra biển. Trên các bãi biển Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng, T18, T20… chật kín người. Các điểm du lịch sinh thái như Suối Voi, Thác Mơ, suối Pâr lê… của tỉnh Thừa Thiên - Huế những ngày này cũng thu hút rất đông du khách.
Cùng với mặt hàng nước giải khát tăng giá từng giờ, thị trường quạt điện, điều hòa nhiệt độ ở miền Trung cũng sôi động hẳn. Một chủ cửa hàng điện máy trên đường Phan Đăng Lưu, Huế, cho biết: “Lượng máy quạt, máy điều hòa nhiệt độ bán ra trong mấy ngày qua tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày bình thường...”. Người dân TP Hà Tĩnh đua nhau tìm mua các loại quạt điện hơi nước, khiến mặt hàng này luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Đã có người tử vong vì nắng nóng
Ngày 5-6, người dân ở các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung tiếp tục gánh chịu đợt nắng nóng khủng khiếp nhất trong hơn 40 năm qua. Nhiệt độ nhiều nơi vẫn ở mức trên 41°c - 42°C, thậm chí tại Hà Nội nhiệt độ vào đầu giờ chiều tại mặt đường nhựa còn trên 50°C. Thời tiết nắng nóng như lửa thiêu đốt đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân, nhất là trẻ nhỏ và người già.
Ngày 5-6, người dân ở các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung tiếp tục gánh chịu đợt nắng nóng khủng khiếp nhất trong hơn 40 năm qua. Nhiệt độ nhiều nơi vẫn ở mức trên 41°c - 42°C, thậm chí tại Hà Nội nhiệt độ vào đầu giờ chiều tại mặt đường nhựa còn trên 50°C. Thời tiết nắng nóng như lửa thiêu đốt đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân, nhất là trẻ nhỏ và người già.
Thông tin từ nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như: Bạch Mai, Lão khoa, Nhi trung ương, Thanh Nhàn cho thấy số bệnh nhân phải nhập viện do sốc nhiệt, viêm hô hấp cấp, sốt cao tiêu chảy, tim mạch, thần kinh... tiếp tục gia tăng mạnh mẽ do thời tiết nắng nóng khủng khiếp gây ra.
Đáng chú ý, trong đợt nắng nóng gay gắt này cũng đã ghi nhận một số trường hợp thiệt mạng. Trong đó vào khoảng 10 giờ sáng 5-6, một cụ bà khoảng 70 tuổi đang đi xe máy hướng đường Xã Đàn - Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) có biểu hiện loạng choạng tay lái. Người phụ nữ lớn tuổi này liền đi sát vào bên đường, rồi gục xuống ngất xỉu. Mặc dù đã được người dân nhanh chóng gọi cấp cứu, tuy nhiên chỉ ít phút sau khi lực lượng cấp cứu 115 đến nơi, xác định cụ bà này đã tắt thở.
Theo ghi nhận, vào thời điểm đó, trên chiếc giỏ xe máy của cụ bà vẫn còn nguyên một túi đá lạnh vừa đi mua về. Khu vực xảy ra sự việc rất gần nhà nạn nhân. Nhiều người dân khu vực cho rằng, rất có thể thời tiết nắng nóng là một trong nguyên nhân tử vong của cụ bà này.
Trước đó vào chiều 4-6, người dân khi lưu thông qua tuyến đường thuộc thôn Lễ Pháp (thị trấn Đông Anh, Hà Nội) cũng phát hiện một người đàn ông gục bên gốc cây nhiều giờ, khi kiểm tra mọi người phát hiện nạn nhân đã tử vong.
QUỐC LẬP