Bộ Y tế cho biết, đến nay, cả nước ghi nhận 1.066 trường hợp mắc Covid-19, 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng. Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội về cơ bản đã quay trở lại như trước thời điểm dịch bùng phát lần thứ 2. Hiện nay, cả nước đang khẩn trương thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam sẽ mở cửa trở lại trong thời gian tới để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực đặc biệt tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, các khu vực tập trung đông người như cơ sở y tế, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp do vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là của người dân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người.
Hiện đã có khoảng 120.000 chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam làm việc, đầu tư. Bộ Y tế kiến nghị cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, tránh tình trạng có những trường hợp không thuộc đối tượng phù hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Cùng với đó là mở rộng các khu cách ly tự nguyện; thực hiện tốt việc giám sát sau khi cách ly một cách chặt chẽ, nhất là việc cách ly tại nhà.
Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 6 giờ 30 phút ngày 18-9, công tác nhập cảnh cho chuyên gia vào Việt Nam làm việc, công tác cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch Covid-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả cũng như công tác phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh thành nghiêm túc triển khai. Các tỉnh đã xây dựng chương trình kế hoạch, phương án cụ thể để làm thủ tục nhập cảnh, thủ tục đón từ sân bay về khu cách ly y tế cho các đoàn chuyên gia và đáp ứng các điều kiện về cách ly y tế tập trung cho chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam làm việc. Các địa phương cũng đã tích cực, chủ động phối hợp liên ngành trong thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống dịch Covid-19, đáp ứng đầy đủ các điều kiện, phương tiện vận chuyển, thủ tục để tiếp nhận người được cách ly từ sân bay về khu vực cách ly. “Nhìn chung các địa phương đã thực hiện đúng các quy định về xét nghiệm đối với chuyên gia và đã có văn bản gửi cơ sở lao động danh sách và yêu cầu giám sát y tế cho các chuyên gia”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận xét.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Đến nay, 15 ngày chúng ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Một tình trạng mới được thiết lập ở phạm vi quốc gia. Thủ tướng đánh giá, kết quả tích cực này là nhờ sự chủ động, quyết liệt của các cấp, ngành, các địa phương và ngành y tế. Theo Thủ tướng, cần thảo luận kỹ trong bối cảnh các hoạt động cơ bản trở lại bình thường, vấn đề gì cần đặt ra, mục tiêu là để chúng ta tiếp tục theo dõi, xử lý những tình huống nếu xảy ra. Đồng thời cũng cần chỉ rõ khâu yếu nhất hiện nay là gì để chủ động hơn.
Thủ tướng cũng cảnh báo việc xuất hiện dấu hiệu chủ quan của một số địa phương, cơ quan, đơn vị. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc mục tiêu kép; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế. |
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính thực hiện thu phí cách ly y tế tập trung đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì cá nhân tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian cách ly cho khách sạn, resort, cơ sở khác theo mức giá do khách sạn, resort, cơ sở khác quy định, bắt đầu từ 1-9-2020.
Trên tinh thần tiếp tục mở các đường bay quốc tế có kiểm soát, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục đề xuất tăng tần suất chuyến bay, kể cả bay thương mại đón chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân Việt Nam về nước. Lịch bay cụ thể báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định. Đối với trường hợp nhập cảnh ngắn ngày, yêu cầu hạn chế tham gia sử dụng các dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, lễ hội… Thủ tướng giao Bộ TT-TT phối hợp Bộ Y tế thiết lập hệ thống tổng đài tự động đa ngôn ngữ để người nước ngoài có thể tiếp cận dịch vụ y tế sớm, tránh tình trạng chậm trễ, gây lây nhiễm trong cộng đồng. Cùng ngày, Bộ Y tế có công văn khẩn số 4974/BYT-DP gửi Bộ LĐTB-XH và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xét nghiệm Covid-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh. Theo đó, đối với người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài có yêu cầu được cấp giấy xác nhận không dương tính với virus SARS-CoV-2: đề nghị các tổ chức, đơn vị đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài lập danh sách cụ thể, chủ động liên hệ với các cơ sở xét nghiệm đã được Bộ Y tế cấp giấy phép xét nghiệm xác định để được xem xét, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm theo quy định. Chiều 18-9, Bộ GTVT đã có văn bản hỏa tốc báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về những khó khăn vướng mắc khi mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính chưa ban hành được hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thu phí đối với hành khách nhập cảnh. Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và đơn vị liên quan (doanh nghiệp, nhà máy, khách sạn...) chưa có quy trình bàn giao và quản lý, giám sát các đối tượng được nhập cảnh Việt Nam; chưa xây dựng tiêu chí đối với các đối tượng từ nước thứ 3 khi quá cảnh tại các địa điểm có chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ vừa được nối lại. Đồng thời, Bộ Y tế cũng chưa ban hành hướng dẫn cách ly y tế đối với các đối tượng bay chuyến bay thương mại và đang hoàn thiện phương án, quy trình xét nghiệm, cách ly y tế đối với các nhóm đối tượng được phép nhập cảnh. Bộ GTVT cũng đề nghị Hà Nội và TPHCM cần công bố rộng rãi các cơ sở lưu trú để phục vụ công tác cách ly. |