Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Bộ NN-PTNT, báo cáo của các địa phương cho thấy, tính đến 7 giờ ngày 13-9 đã có 336 người chết, mất tích (233 người chết, 103 người mất tích), tăng 36 người chết (Lào Cai 16, Cao Bằng 9, Yên Bái 6, Tuyên Quang 3, Vĩnh Phúc 1, Phú Thọ 1) so với báo cáo ngày 11-9.
Lào Cai hiện là địa phương có nhiều người chết và mất tích với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích) gồm: Bảo Yên 110, Sa Pa 9, Bát Xát 17, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 34, Văn Bàn 2.
Cao Bằng có 52 người chết và mất tích (43 người chết, 09 người mất tích). Yên Bái: 50 người (48 người chết, 2 người mất tích) gồm: Thành phố Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 9, Văn Chấn 2, Trấn Yên 4; Quảng Ninh: 15 người chết; Phú Thọ: 11 người (1 người chết do sạt lở đất; 1 người chết do lũ; 8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người mất tích do lũ); Hòa Bình: 7 người chết do sạt lở đất; Tuyên Quang: 5 người chết do lũ…
Số người bị thương là 823 người, trong đó: Quảng Ninh 536, Hải Phòng 49, Hải Dương 5, Hà Nội 23, Bắc Giang 7, Bắc Ninh 52, Hà Giang 1, Lạng Sơn 10, Lào Cai 76, Yên Bái 30, Cao Bằng 17, Phú Thọ 7, Bắc Kạn 3, Hòa Bình 3, Vĩnh Phúc 2, Thanh Hóa 2.
Các địa phương đã sơ tán tổng 74.536 hộ/130.246 người di dời. Bão và mưa lũ đã làm 136.705 nhà bị hư hỏng, 67.653 nhà bị ngập; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị thiệt hại.
Về nông nghiệp, 202.094 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tăng 6.165ha); 39.298 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tăng 5.288ha); 22.288 ha cây ăn quả bị hư; 1.848 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi, 4.594 con gia súc, 1.786.872 con gia cầm bị chết.
Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.