Trong cách đặt vấn đề hướng, tuyến phát triển TPHCM trong đồ án quy hoạch chung, thông thường lấy các hướng như Đông, Tây, Nam, Bắc để làm cơ sở định hướng cho việc mở rộng quy mô và phát triển. Định hướng theo kiểu như vậy cho thấy được tiềm năng, tính chất và khả năng kết nối của từng vùng đất, nhưng lại khá hạn chế trong chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng chung của toàn vùng, chưa kết hợp hài hòa được định hướng này với lợi ích, chiến lược phát triển đô thị của khối doanh nghiệp tư nhân.
Mặc dù trên cơ sở lý thuyết, sự định hướng này đem lại các giá trị bền vững hơn cho quá trình phát triển của đô thị về lâu dài, nhưng tiềm lực tài chính và cơ chế thực hiện các định hướng thì phần lớn khối cơ quan quản lý nhà nước đều thụ động, không thể thực thi trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Một ví dụ rõ ràng dễ thấy là vùng phía Nam. Mặc dù có nhiều sự tác động về biến đổi khí hậu, nhưng thực chất lại có được nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển hơn vùng phía Tây - Bắc của TPHCM, là vùng vốn có điều kiện địa chất và môi trường thuận lợi hơn cho quá trình xây dựng đô thị. Qua đó cho thấy rằng, sự phát triển mở rộng hướng tuyến của TPHCM không chỉ thuần túy về mặt lý thuyết mà còn chịu tác động của các động lực kinh tế, tính hiệu quả của các giải pháp đầu tư.
Trong bài viết góp ý tham gia vào quy hoạch chung của TPHCM này, tôi xin trình bày thêm một số định hướng khác, bổ sung vào phương thức mở rộng sự phát triển tập trung cải tạo đô thị theo một hướng mở hơn, phù hợp với đặc trưng của nguồn lực khối doanh nghiệp tư nhân hơn. Đây chính là những đối tác có khả năng phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước để tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho TPHCM trong tương lai.
Đa chức năng
Các đô thị “đa chức năng” có đầy đủ các tiện tích cho sinh sống, nghỉ dưỡng và làm việc, học tập cũng như giải trí. Xu hướng đa chức năng phù hợp với các đô thị phát triển mở rộng của TPHCM, bởi vì các đô thị này sẽ góp phần làm giảm gánh nặng lên cơ sở hạ tầng hiện hữu.
Nhờ phát triển đa chức năng nên sẽ hạn chế nhu cầu đi lại, di chuyển liên phường, liên quận khi không cần thiết; tạo ra những cộng đồng khép kín, an ninh và có tính gắn kết hiệu quả hơn trong quá trình vận hành, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng và khó kiểm soát, nguyên tắc hạn chế di chuyển và tập trung nơi đông người là một trong những nền tảng quan trọng của các đô thị đa chức năng này.
Trong đồ án quy hoạch chung, các đô thị phát triển mở rộng mới và các đô thị hiện hữu cải tạo nếu được tạo điều kiện sử dụng đất đa chức năng ở những khu vực cho phép, phù hợp với cơ sở hạ tầng và quản lý thì chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi hiệu quả.
“Bám sông”
Đây là một đặc trưng chung của hầu hết các đô thị, khu dân cư phát triển. Kinh nghiệm của các đô thị sầm uất trên thế giới đều có địa thế bám theo sông ngòi, kênh rạch để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho riêng mình. TPHCM cũng nên như vậy!
Chúng ta có sông Sài Gòn và kênh Bến Nghé rất đẹp, rất dài và vô cùng chiến lược về mặt kết nối các khu vực đô thị, nhưng đồ án quy hoạch chung lại chưa đề cập sát sao đến các khu vực có tính động lực để thay đổi bộ mặt của TP và tạo ra động lực tăng trường chung cho các khu vực này.
Theo tôi, sự phát triển “cải tạo” và “mới” của TPHCM nên lấy kênh Bến Nghé và hệ thống kênh ngòi xung quanh làm trục cảnh quan để phát triển các công trình cao tầng, các công trình văn hóa, dịch vụ và thương mại. Thúc đẩy và mở rộng tuyến kênh Bến Nghé về các tỉnh miền Tây, ví dụ như những điểm đến là Bến Lức, Tân An, Mỹ Tho… tạo thành một tuyến “giao thông thủy liên tỉnh” phục vụ hỗn hợp các chức năng, là động lực liên kết văn hóa của các điểm vùng đi qua.
Đây hoàn toàn là một kế hoạch khả thi bởi vì điều kiện tự nhiên sẵn có của hệ thống kênh rạch, điều kiện đất đai còn chưa phát triển. Chi phí đầu tư mở rộng, kết nối các tuyến giao thông thủy này không quá lớn như đường cao tốc, nhưng lại tạo ra được dư địa rất lớn dọc theo bờ kênh, thu hút được sự đầu tư phát triển tăng cường bộ mặt cho TPHCM.
Quận 4 và một phần bán đảo của quận 8 dọc theo kênh Bến Nghé hiện nay là các công trình thấp tầng, còn lộn xộn và chưa đảm bảo chất lượng điều kiện sống cho người dân. Với tầm nhìn như vậy, đồ án quy hoạch chung có thể tạo ra một khu vực cải tạo rộng lớn, vừa phát triển mới vừa tái định cư bằng hình thức chung cư, đồng thời tạo ra các quỹ đất lớn cho TP để thu hút đầu tư, tạo ra một “chuỗi” các đô thị ven kênh hấp dẫn, có bản sắc!
“Hướng biển”
Định hướng này là một trong những quan điểm mà tôi rất tâm đắc. Bởi vì hướng biển là một hướng phát triển phù hợp với vị thế, vai trò và tầm chiến lược của TPHCM trong bối cảnh khu vực và quốc tế, đó là một động lực tăng trưởng mạnh mẽ và giàu sức sáng tạo cho lực lượng lao động TP trong tương lai.
Theo quy hoạch, hệ thống giao thông hiện nay đã có một tuyến metro và đường giao thông mở rộng kết nối từ trung tâm hiện hữu cho đến huyện Cần Giờ, hướng ra biển Đông. Đây là một tuyến giao thông có tính chất liên kết quan trọng và tạo ra các hướng phát triển có “bản sắc” riêng cho TPHCM, do vậy cần phải có chiến lược “đô thị” phù hợp để khai thác và làm đặc sắc thêm giá trị này.
Tôi đề xuất, điểm đầu của tuyến này nên kết nối với khu đô thị phức hợp Khánh Hội ở quận 4, kết nối trực tiếp với khu vực trung tâm hiện hữu và Thủ Thiêm, ở điểm giữa cần phát triển một đô thị cảng trung chuyển với chức năng vừa phục vụ cho hàng hóa, kho bãi và phục vụ cho nhu cầu giải trí, du lịch. Điểm cuối cùng của tuyến kết nối này là đô thị lấn biển Cần giờ.
Đây chỉ là ví dụ cho các chức năng có thể phù hợp với hướng tuyến ra biển của TPHCM. Việc nghiên cứu các chức năng, đô thị và quy mô dọc tuyến như thế nào cần có các chiến lược phù hợp với từng nhu cầu đầu tư trong tương lai.