Báo cáo của Bộ KH-CN cho biết, trong 10 năm qua, chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác bảo tồn và phát triển nguồn gene, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh.
Tính đến năm 2023, thông qua các nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene, tổng số nguồn gene được thu thập và lưu giữ được là 80.911. Trong đó, có 47.772 nguồn gene thực vật nông nghiệp, 5.768 nguồn gene cây lâm nghiệp, 7.039 nguồn gene dược liệu, 891 nguồn gene vật nuôi, 391 nguồn gene thủy sản, 19.050 nguồn gene vi sinh vật. Đặc biệt, trong những năm gần đây, số lượng nguồn gene có giá trị làm thuốc đã được phát hiện và thu thập, bảo tồn là trên 7.000 nguồn gene.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt yêu cầu trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện Hệ thống quản lý dữ liệu về nguồn gene quốc gia và Mạng lưới cơ sở quỹ gene quốc gia; đồng thời thúc đẩy các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho các trung tâm lưu giữ, bảo tồn nguồn gene.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc khai thác và phát triển một cách hợp lý các nguồn gene đã được phục tráng, bảo tồn nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương; tập trung chọn lọc các nguồn gene có tính trạng quý, hiếm, có giá trị kinh tế để tiếp tục nghiên cứu tạo ra các giống đặc hữu của Việt Nam, từ đó phát triển thành một số sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.