Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, cho biết, với chủ trương xây dựng sân bay lưỡng dụng phục vụ nhiệm vụ quân sự và dân sự, thời gian qua Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng, đơn vị hoàn chỉnh thủ tục để đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết theo quy định, với mục tiêu đến hết năm 2022 sân bay Phan Thiết sẽ đi vào hoạt động.
Trong đó hạng mục hàng không dân dụng được đầu tư theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.833 tỷ đồng, còn hạng mục phục vụ khu quân sự với mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng, do Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư.
Trao đổi về tiến độ bàn giao đất quốc phòng để phục vụ xây dựng một số dự án hạ tầng giao thông, nhất là ở TPHCM, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức cho biết, vấn đề đất quốc phòng đã được bàn rất nhiều và quan điểm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng là sẵn sàng bàn giao đất cho các địa phương để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, trừ những khu vực trọng yếu quốc phòng. Những năm qua, Bộ Quốc phòng đã bàn giao nhiều diện tích đất quốc phòng để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế ở các địa phương trên cả nước, trong đó có TPHCM.
“Tuy nhiên trong thực tiễn, việc bàn giao và nhận bàn giao một khu đất quốc phòng không đơn giản, đôi khi bên bàn giao sẵn sàng bàn giao rồi, bên nhận cũng sẵn sàng; nhưng khi bàn giao thì trong khu đất ấy lại có một phần đất thuộc di tích, nhà lưu niệm… liên quan đến các quy định khác của pháp luật. Cho nên, không phải chỗ nào thống nhất xong cũng bàn giao được ngay mà cần có thời gian để xử lý các vấn đề liên quan”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức cho biết.