Cựu Vụ phó của Bộ KH-CN thừa nhận “gợi ý” để đưa Việt Á tham gia đề tài

Tại phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án Công ty Việt Á (Việt Á) liên quan tới các cá nhân của Học viện Quân y, tham gia xét hỏi, luật sư và viện kiểm sát đã làm rõ một số nội dung liên quan tới việc đưa Việt Á tham gia đề tài nghiên cứu kit test Covid-19.

Tại phần xét hỏi, bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Việt Á) khẳng định, trong vụ án này, bị cáo thừa nhận có sai phạm, nhưng bị cáo muốn trình bày để rõ hơn. Quá trình khai báo, Việt cho biết, mong tòa xem xét bối cảnh lúc đó, bởi thời gian gấp, dịch diễn biến phức tạp nên không có cách nào khác. Tiếp tục nói nhưng Việt bị chủ tọa yêu cầu trình bày ở phần sau, khi tham gia tranh luận và tự bào chữa.

still1227-00005-9797.jpg
Quang cảnh phiên tòa

Bị cáo Ngô Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Tài chính, Học viện Quân y) được yêu cầu nói về các hợp đồng mua bán kit test Covid-19 để phòng chống dịch tại tỉnh Bắc Giang. Bị cáo Tuấn xin được sử dụng “tài liệu” để trình bày. Theo đó, bị cáo Tuấn nói Học viện Quân y thực hiện 4 gói thầu mua sắm với Việt Á, trong đó 2 gói thầu thực hiện phòng chống dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang và 2 gói thực hiện tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Ngày 16-5-2021, sau khi nhận lệnh chỉ đạo từ cấp trên, Trung tướng Đỗ Quyết (thời điểm đó là Giám đốc Học viện Quân y) đã triển khai và thành lập trung tâm dã chiến ở Bắc Giang.

Bị cáo Tuấn nói, đã tham mưu cho lãnh đạo học viên để báo cáo lãnh đạo cấp trên mua kit test của Việt Á. Tổng số tiền thanh toán của 4 hợp đồng là hơn 41 tỷ đồng.

Cũng tại phần xét hỏi, đại diện bị hại là Học viện Quân y đề nghị các bị cáo có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định. Bên cạnh đó, bị hại đề nghị đối với những cựu cán bộ Học viện Quân y gồm Hồ Anh Sơn, Nguyễn Văn Hiệu, Ngô Anh Tuấn, Lê Trường Minh, phía bị hại xin hội đồng xét xử căn cứ vào thành tích của mỗi bị cáo trước đây, trong bối cảnh tình hình thực hiện phòng chống dịch rất gấp, “chống dịch như chống giặc”, các bị cáo thực hiện nhiệm vụ “như chống giặc”, nên không được bồi dưỡng, tập huấn quá trình “chuyển giao”, do đó đã vi phạm. Phía học viện mong hội đồng xét xử giảm nhẹ cho 4 cựu sĩ quan trên.

still1227-00007-7035.jpg
Bị cáo Hồ Anh Sơn tại phiên tòa

Luật sư Nguyễn Việt Hùng, bào chữa cho bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật thuộc Bộ KH-CN) đề nghị thân chủ làm rõ việc có thống nhất với Phan Quốc Việt để giới thiệu cho Hồ Anh Sơn tham gia đề tài nghiên cứu kit test Covid-19 hay không? Bị cáo Trịnh Thanh Hùng khẳng định, khi gọi điện cho Việt để nói tham gia đề tài thì trước đó bị cáo đã có sự đồng ý của Hồ Anh Sơn. Khai tại tòa, Hùng nói trong cuộc trao đổi với Phan Quốc Việt, bị cáo chỉ thuyết phục Việt tham gia đề tài, làm sao nhanh chóng ra được kit test cho đất nước; trong quá trình thuyết phục, Hùng khẳng định không đòi hỏi vật chất gì.

anh-chup-man-hinh-2023-12-27-145826-7285.png
Bị cáo Trịnh Thanh Hùng tại phiên tòa

“Khi Sơn gọi điện, tôi chỉ trao đổi cần một doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ISO để được cấp phép, trên cơ sở đó tôi có gợi ý với Hồ Anh Sơn để Phan Quốc Việt tham gia đề tài”, bị cáo Hùng khai nhận.

Luật sư tiếp tục hỏi, giữa 3 người có khi nào gặp nhau để trao đổi, thống nhất? Bị cáo Hùng khẳng định chưa khi nào 3 người gặp nhau để trao đổi. Trong khi đó, bị cáo Hồ Anh Sơn sau đó khẳng định, giữa 3 người có một lần gặp nhau ở quán cà phê và chỉ bàn về việc sản xuất kit test.

Luật sư của bị cáo Hùng xin được hỏi bị cáo Phan Quốc Việt về thời điểm bị cáo Hùng giới thiệu tham gia vào đề tài, nội dung trao đổi những gì? Phan Quốc Việt cho biết, do thời gian lâu, nên không nhớ nhiều, Việt nhớ mang máng rằng, bị cáo Hùng gọi điện nói Bộ KH-CN có đặt hàng kit test về phòng chống dịch và nhờ Việt Á cố gắng tham gia.

still1227-00008-5513.jpg
Bị cáo Phan Quốc Việt tại phiên tòa

"Bị cáo Hùng có nói hình thức tham gia tương tự một số đề tài trước đây mà Việt Á đã từng tham gia. Quá trình phối hợp, bị cáo Hùng không yêu cầu bị cáo phải đưa lợi ích vật chất gì", Việt cho biết và nói thêm, quá trình tham gia đề tài, Việt Á có đưa danh sách cán bộ của mình cùng tham gia đề tài với Học viện Quân y. Còn số tiền mà Việt biếu Trịnh Thanh Hùng vào các dịp tết, Việt nói là “tình cảm” giữa 2 người.

Theo hồ sơ vụ án, trước tình hình dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ngoài và có nguy cơ cao lây lan vào Việt Nam, Ban Giám đốc Học viện Quân y có công văn gửi Bộ KH-CN về việc đề xuất nhiệm vụ phát triển kit test Covid-19. Từ tháng 1-2020, Trịnh Thanh Hùng thông đồng với Phan Quốc Việt và Hồ Anh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược quân sự thuộc Học viện Quân y) để đưa Công ty Việt Á tham gia đề tài với vai trò cơ quan phối hợp, sản xuất 20.000 test kit thử nghiệm và sau đó để Việt Á được cấp phép và sản xuất thương mại trái pháp luật bộ kit test Covid-19.

Trong vụ án, Trịnh Thanh Hùng là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để vụ lợi cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; thông đồng với các cá nhân khác để đưa Công ty Việt Á vào tham gia đề tài; chỉ đạo, thống nhất việc không sử dụng quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y để sản xuất 20.000 kit test Covid-19 thử nghiệm. Trịnh Thanh Hùng được Phan Quốc Việt chi cho 350.000 USD. Trong vụ án này, Phan Quốc Việt là người vụ lợi cá nhân, đã gian dối trong việc thông tin kit test Covid-19 bán cho các cơ quan, tổ chức.

Tin cùng chuyên mục