Ông Nguyễn Ngọc Thanh là danh thủ của làng bóng đá miền Nam Việt Nam từ cuối thập niên 50 đến giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Hơn 40 năm trôi qua, mái tóc của danh thủ điển trai ngày nào nay đã bạc trắng.
Vẫn với phong cách lịch thiệp, tại phòng khách nhà ông trong con hẻm trên đường Thích Quảng Đức (Phú Nhuận), bên cạnh những chiếc cúp, huy chương, các bức ảnh lưu niệm đang nhạt nhòa theo bụi thời gian, Nguyễn Ngọc Thanh xúc động nhớ lại những chiến tích xa xưa …
Quê ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, ông Thanh rời quê hương cùng gia đình lên Sài Gòn sinh sống từ lúc 10 tuổi. Đá bóng khi còn cấp sách đến trường, ông được chọn vào đội tuyển miền Nam đi dự Cúp Merdeka 1957 lúc 19 tuổi.
Mười năm chơi cho đội tuyển miền Nam (1957-1967), trong đó 7 năm (1959-1965) làm thủ quân, ông Thanh tham gia nhiều cuộc tranh tài quốc tế, trong đó, thành tích cao nhất là chiếc HCV tại SEAP Games 1 (Thái Lan-1959) và Cúp Merdeka (Malaysia-1966).
Thể lực tốt, kỹ thuật vững vàng, phán đoán nhanh, sút phạt căng, kiến tạo nhiều đường bóng như dọn cỗ, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa hàng tiền đạo và hàng hậu vệ, ông Thanh là một trong vài danh thủ của niềm Nam được mời tham gia đội tuyển châu Á vào năm 1966.
Từ 1967-1975, ông Thanh làm HLV cho đội Việt Nam Thương Tín, trong đó có 2 năm (1969-1971) huấn luyện cho tuyển Thiếu niên, Thanh Niên và tuyển miền Nam. Cũng trong thời gian này, ông được học khóa HLV bóng đá đầu tiên dành cho châu Á (First FIFA Coaching School For Asian Coaches) do FIFA, LĐBĐ châu Á và LĐBĐ Nhật Bản phối hợp tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 15-7 đến 15-10-1969 và đã tốt nghiệp loại giỏi.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông lần lượt huấn luyện cho các đội Ngân Hàng, Đồng Tháp, Dệt Phong Phú, Năng khiếu Nguyễn Du rồi phụ trách mảng bóng đá phong trào của LĐBĐ TPHCM từ giữa năm 1997 đến 2004.
Vài năm gần đây, sức khỏe của ông có phần giảm sút do cao huyết áp và thấp khớp. Từ 5 giờ sáng, ông đã thức dậy tập đi bộ. Sau đó chăm sóc mấy chậu kiểng, đọc báo, xem bóng đá trên truyền hình…
Về hướng phát triển bóng đá của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, ông Thanh nói: “Ngành TDTT, LĐBĐ các cấp … nên quan tâm nhiều hơn đến bóng đá năng khiếu, bóng đá trẻ vì đây là nền tảng phát triển bóng đá chuyên nghiệp”.
Từng đăng quang tại SEAP Games 1, ông Thanh tâm tình: “Tôi rất mong đàn em lên ngôi vô địch AFF Cup kỳ này hoặc lặp lại thành tích của chúng tôi cách nay gần nửa thế kỷ. Lâu quá rồi, bóng đá đỉnh cao của chúng ta chưa một lần tận hưởng niềm vui trọn vẹn ở một giải đấu trong khu vực”.
THIỆN TÂM