Ngày 17-9, trước những thiệt hại nghiêm trọng do bão số 10 gây ra tại các tỉnh miền Trung và Bắc Trung bộ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu tiền và hàng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng cho 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Hàng hóa và tiền mặt cứu trợ bao gồm: hỗ trợ gia đình có người thiệt mạng 3 triệu đồng/người; hỗ trợ 240 gia đình nhà bị sập, đổ hoàn toàn với số tiền 3 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 650 hộ có nhà bị thiệt hại nặng (1 triệu đồng/hộ) và cấp 250 bộ dụng cụ sửa chữa lại nhà cửa.
Báo cáo cập nhật số liệu thiệt hại do bão số 10 và mưa lũ sau bão của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày 17-9 cho biết, cơn bão đã làm 9 người bị thiệt mạng (tăng 5 người) tại Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và 4 người bị mất tích tại tỉnh Quảng Bình. Ngoài ra số người bị thương lên tới 112 người (tăng 91 người so với báo cáo ban đầu). Đến nay, có 1.185 nhà bị sập (tăng 1.152 nhà) và 152.599 nhà bị hư hỏng (tăng 31.310 nhà), 10.923 nhà bị ngập. Bão cũng làm chìm 200 tàu và thuyền nhỏ.
Đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ và tặng quà hỗ trợ một gia đình ở Quảng Bình
Cùng ngày, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi các cấp Hội trong cả nước vận động cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão số 10 năm 2017. Đợt vận động ủng hộ kéo dài đến hết tháng 10- 2017.
Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau bão số 10 do sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường gây ra, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế một số tỉnh thành khẩn trương chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau bão, lụt.
Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt.
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các địa phương tập trung triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau lũ và ngập lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ và ngập lụt như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.
Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm khi cần thiết. Đặc biệt, các địa phương phải chủ động cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng có thể bị ngập lụt.
Tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng, đảm bảo người dân có nước sạch an toàn để sử dụng.
Tại tỉnh Hà Tĩnh ngày 17-9, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Hà Tĩnh và Quân khu 4… tiếp tục phối hợp với chính quyền các huyện, thị xã trên địa bàn dồn sức giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả bão số 10; dọn dẹp xử lý vệ sinh môi trường, dọn dẹp cây đổ gãy, giải phòng ùn tắc giao thông, sửa lại nhà cửa, vật dụng để sớm ổn định lại cuộc sống, sản xuất.
Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, huy động gần 5.000 đoàn viên, thanh niên đồng loạt ra quân giúp đỡ nhân dân chỉnh trang được hàng trăm vườn, sửa chữa, dọn dẹp, lợp mái nhà cho hàng trăm nhà cửa, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế; thu gom cây cối gãy đổ, biển quảng cáo, phát quang, dọn dẹp hàng trăm kilômét đường làng ngõ xóm…
Tính đến 10 giờ ngày 17-9, ngành điện đã đóng điện 40/46 đường dây. Cấp điện 214/265 phường, xã, thị trấn. Dự kiến, đến hết ngày 20-9 sẽ cấp điện trở lại cho toàn bộ khách hàng.
Chiều 17-9, ông Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, bước đầu đơn vị này đã cấp 5 cơ số hóa chất phòng, chống dịch bệnh cho Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên; cấp 90 lít hóa chất diệt muỗi loại Hockey DeltaPlus, Hantox và 170kg Cloramin B, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tùy vào tình hình thực tế tại các xã bị ngập do nước mưa, nước biển dâng để tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường; chỉ đạo các trạm y tế phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành vệ sinh môi trường sau bão kết hợp với vệ sinh môi trường phòng chống dịch sốt xuất huyết…
Ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tôn Đông Á cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi vận động quyên góp giúp đỡ người dân miền Trung đang gặp nạn trong bão số 10, công ty đã quyết định hỗ trợ cho tỉnh Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh 300 phần quà là tôn lợp nhà (4 triệu đồng/phần), tỉnh Nghệ An và tỉnh Quảng Trị 200 phần quà là tôn lợp nhà (4 triệu đồng/phần), với tổng trị giá 2 tỷ đồng.
Cùng ngày, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Thanh Hóa, cho biết: Bão số 10 đã làm tỉnh này hư hỏng hàng chục kilômét đê biển. Cụ thể, tại đoạn đê biển ở xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương), đê biển đã bị sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền 20-30m, với chiều dài 5,2km. Trong khi đó, tại một số nơi ở huyện Hoằng Hóa, đê biển bị hư hỏng với chiều dài 12km, thành phố Sầm Sơn 0,5km, xã Hải Bình (huyện Tĩnh Gia) 50m; đường và kè biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) bị sạt, hư hỏng hoàn toàn 4,5km,… Theo thống kê, cơn bão số 10 đã gây thiệt hại cho tỉnh Thanh Hóa khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nghệ An đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh này 300 tỷ đồng để tu sửa hệ thống đê biển, đê sông và các cơ sở hạ tầng bị tàn phá, ngoài ra trang bị cho các huyện miền núi 6 máy xúc để xử lý ách tắc giao thông, sạt lở đất,…
Trong khi đó, theo thông kê của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình, tổng diện tích cao su bị thiệt hại là trên 16.000ha; trong đó có 3.000 ha bị thiệt hại 100%; 5.000ha bị thiệt hại trên 60%, còn lại bị thiệt hại từ 30%-50%.