
- Libya tuyên bố để quốc tang ông S.Hussein 3 ngày
Vào lúc 10 giờ 5 phút sáng 30-12 (giờ VN), cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã bị hành quyết theo bản án tử hình bằng cách treo cổ tại một khu vực bí mật trong “Vùng Xanh” của Mỹ ở ngoại ô Baghdad (Iraq).
Hai người khác cũng bị án treo cổ với ông S.Hussein là Barzan Ibrahim (anh em cùng cha khác mẹ) và Awad Bandar (cựu chánh án Tòa án Cách mạng Iraq). Theo các nguồn tin, hai người này sẽ chịu án sau kỳ nghỉ lễ Eid-al-Adha của Hồi giáo kết thúc ngày 4-1-2007. Quân đội Mỹ chỉ trao ông S.Hussein cho chính phủ Iraq ngay trước khi thi hành án.

Một cảnh quay video trước giờ ông S.Hussein bị hành quyết.
Án treo cổ ông S.Hussein được giữ nguyên sau khi Tòa án Tối cao Iraq bác bỏ lời kháng cáo và Tòa Phúc phẩm Iraq ra phán quyết y án tử hình đối với ông theo đúng bản án của Tòa án Sơ thẩm tuyên hôm 5-11.
Bản án buộc ông S.Hussein phạm “tội ác chống loài người” do đã ra lệnh thảm sát 148 người Hồi giáo dòng Shiite ở làng Dujail, phía Bắc thủ đô Baghdad năm 1982.
Chiều 29-12, luật sư của S.Hussein đã đệ đơn lên tòa án Mỹ yêu cầu dừng việc thi hành án tử hình. Chính phủ Yemen và Libya cũng gửi thư lên Tổng thống Bush đề nghị tha mạng cho ông S.Hussein vào phút chót.
Các con gái của ông S.Hussein là bà Raghad và Ranna (hiện đang sống lưu vong tại Jordan) đã yêu cầu trả xác cha mình để chôn cất tại Yemen cho đến khi đất nước Iraq hòa bình và thống nhất mới đưa di hài ông trở về quê hương. Trong số những vật dụng mà ông S.Hussein gửi lại cho người thân có một bản di chúc dành cho những người anh em cùng cha khác mẹ của ông.
Quân đội Anh, Mỹ ở Iraq được đặt trong tình trạng báo động cao để sẵn sàng đối phó với tình huống bạo lực có thể gia tăng sau vụ hành quyết ông Hussein. Hàn Quốc, nước có quân đóng ở Iraq, cho tăng cường an ninh tại các đại sứ quán của nước ngoài.
Ngay sau khi vụ hành quyết ông S.Hussein diễn ra, nhiều vụ đánh bom tự sát đã xảy ra tại nhiều nơi làm gần 80 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương.
- Phản ứng dư luận

Bạo lực diễn ra tại Kufa (Iraq) ngay sau khi ông S.Hussein bị tử hình.
Ảnh: AFP
Dư luận có những phản ứng trái ngược nhau về vụ hành quyết ông S.Hussein. Ở Iraq, nếu như có một bộ phận dân chúng tỏ ra vui mừng trước cái chết của ông, thì nhiều người dân cũng lặng lẽ khóc thương cho kết cục bi thảm nà
y. Nhiều cuộc biểu tình phản đối vụ hành quyết ông S.Hussein đã diễn ra ở Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan.
Libya tuyên bố để quốc tang ông S.Hussein 3 ngày và hủy bỏ tất cả các lễ hội dịp lễ Eid-al-Adha. Một loạt nước trên thế giới đã có phản ứng về vụ hành quyết ông S.Hussein.
Đa số lo ngại tình hình Iraq sẽ càng trở nên hỗn loạn, bạo lực sắc tộc gia tăng và nuôi dưỡng thêm ngọn lửa thù hận. Nga, Malaysia, Yemen, Tòa thánh Vatican và nhiều nước khác cũng như các nhà quan sát đều cùng chung nhận định này.
Lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi thì bình luận trên đài Al-Jazeera rằng việc xét xử cựu tổng thống Iraq là trái pháp luật và ông ta nên bị xử lại tại một tòa án quốc tế. Thủ tướng Iraq al-Maliki cho rằng việc phản đối xử tử ông Saddam sẽ là một sự xúc phạm với các nạn nhân của ông ta.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Mỹ) nói rằng lịch sử sẽ phán xét vụ xét xử và hành quyết ông Saddam. Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Campuchia lên tiếng phản đối bản án tử hình.
Trong khi đó Mỹ và một số đồng minh tham chiến tại Iraq như Australia, Anh, Nhật Bản hoan nghênh việc thi hành án đối với S.Hussein và cho rằng điều này “đánh dấu một bước đi quan trọng trong tiến trình hòa giải dân tộc tại Iraq”. Pháp thì kêu gọi nhân dân Iraq hãy nhìn về tương lai và nỗ lực cho sự hòa giải và thống nhất đất nước...
H.A. (tổng hợp)
Một số cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời ông Saddam Hussein - 28-4-1937: Saddam Hussein sinh ra tại ngôi làng al-Awja, gần thị trấn Tikrit thuộc tỉnh Saladdin. Năm 1957: Gia nhập đảng Baath. Năm 1958: Bị bắt và ở tù 6 tháng vì giết anh rể. L.V. (Theo AP) |