Trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) bày tỏ suy nghĩ về phiên tòa và quá trình xét xử đã diễn ra công khai dân chủ nên mong muốn sẽ có một bản án thấu tình đạt lý cho bản thân.
Không như những lần quanh co trước đó, khi tự bào chữa cho mình, nguyên Tổng Giám đốc OcenaBank thừa nhận những hành vi vi phạm của mình trong vụ án những vẫn một mực kêu oan tới HĐXX vì cho rằng bản thân không thể và không hề tham ô, cũng như chiếm đoạt tài sản của Hà Văn Thắm và OceanBank.
Lý giải về những vi phạm của mình, bị cáo Sơn thừa nhận trong giai đoạn làm Tổng Giám đốc OceanBank (2009-2010) đã thực hiện nhận, chi số tiền khoảng 69 tỷ đồng của Thắm và ngân hàng để chăm sóc khách hàng. Trong số tiền này đã chi chăm sóc cho PVN khoảng 30-40 tỷ đồng, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro khoảng 24 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn hơn 19 tỷ...
Tiếp tục đề cập tới việc chi tiền chăm sóc khách hàng để bào chữa cho tội danh tham ô và chiếm đoạt tài sản, bị cáo Sơn đề nghị HĐXX xem xét thêm lời khai của bị can Ninh Văn Quỳnh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) vì theo Sơn số tiền chăm sóc mà Sơn đã đưa cho Quỳnh nhiều hơn rất nhiều số tiền Quỳnh đã thừa nhận trước tòa.
Bị cáo Sơn cũng cho biết trong giai đoạn làm tổng giám đốc bản thân đã dùng tiền của cá nhân chi tiếp khách hàng, để tạo cho ngân hàng một lượng khách hàng lớn nên ngân hàng có khoản lãi lớn.
Tuy nhiên, Sơn cũng cho rằng thời gian làm Tổng Giám đốc OceanBank bản thân chỉ cán bộ cấp dưới nên việc thực hiện chi lãi ngoài, đàm phán với khách hàng về chi lãi ngoài thế nào là do Hà Văn Thắm quyết định.
Còn khi về lại PVN, bị cáo Sơn cho rằng mình không có quyền giới thiệu Nguyễn Minh Thu làm tổng giám đốc OceanBank nên không quan tâm đến việc này nữa.
Tuy nhiên, bị cáo Sơn cũng thừa nhận trong giai đoạn này đã nhận lời giúp Hà Văn Thắm tạo quan hệ với PVN bằng cách chuyển giúp tiền của Thắm cho PVN. "Số tiền này là tiền của anh Thắm, không phải tiền của ngân hàng..."- bị cáo Sơn trình bày.
Cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, hoàn toàn không biết việc chi lãi ngoài trên toàn hệ thống OceanBank là làm trái Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước nhưng nếu cho rằng có vi phạm thì chỉ nhằm một việc là giúp ích cho ngân hàng.
"Bị cáo thừa nhận mình làm sai, nhưng với mục đích giúp cho ngân hàng, giúp anh Thắm giảm bớt rất nhiều chi phí trong quá trình huy động vốn, làm tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng..."- bị cáo Sơn biện minh.
Về việc bị quy kết chiếm đoạt tiền của Thắm, bị cáo Sơn trình bày khi làm Tổng Giám đốc OceanBank, 2 năm ngân hàng chi gần 69 tỷ đồng, tương đương mỗi năm hơn 30 tỷ. Trong khi những ngân hàng nhỏ khác phải chi từ 1-3% số tiền gửi để chăm sóc khách hàng. Lấy tổng số dư của các đơn vị dầu khí gửi ngân hàng nhân với 1% thì con số này đã hơn 1.000 tỷ.
"Nếu bị cáo muốn chiếm đoạt tiền của anh Thắm, bị cáo có thể yêu cầu anh Thắm chi nhiều hơn, rồi chiếm đoạt một phần trong số đó..."- bị cáo Sơn cho biết.
Trước vành móng ngựa, cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn cũng thừa nhận tại phiên tòa sơ thẩm lần trước đã không khai báo rõ ràng, cụ thể các nguồn tiền nhận và chi những đâu nên đã bị Viện kiểm sát thay đổi tội danh.
"Ở phiên tòa lần này, bị cáo nhận thức rõ việc mình không khai ra đó đã khiến vụ án thay đổi bản chất nên bây giờ bị cáo không còn giấu bất cứ điều gì, chỉ khai ra sự thật..."- bị cáo Sơn nói.
Tiếp tục tự bào chữa, bị cáo Sơn cho rằng bản thân đã nhận thức rõ hành vi phạm tội và mong muốn HĐXX cũng như đại diện Viện kiểm sát xác định tội danh đúng như hành vi, đúng như sự thật, không quy kết mình tội tham ô và chiếm đoạt tài sản.
"Bị cáo thực sự ăn năn hối lỗi, mong HĐXX cho phép được dùng tài sản của mình để khắc phục hậu quả, làm giảm thiệt hại và được hưởng sự khoan hồng của pháp luật..."- bị cáo Sơn bày tỏ.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX xem xét tuyên phạt tử hình bị cáo Nguyễn Xuân Sơn về "Tội tham ô, chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo đánh giá của cơ quan công tố, bị cáo Sơn xuất phát từ động cơ vụ lợi cá nhân, đã lợi dụng vị thế của PVN với tư cách là cổ đông chiến lược để yêu sách, chỉ đạo Hà Văn Thắm chi lãi ngoài cho các công ty thành viên của PVN.
Cùng với đó, bị cáo Sơn đã chiếm đoạt số tiền rất lớn, một phần chi cho mục đích cá nhân, phần khác chi cho các mối quan hệ thân hữu. Hành vi của bị cáo Sơn gây ảnh hưởng xấu, gây bất bình, phẫn nộ trong dư luận và quần chúng nhân dân.
Tại phiên tòa, bị cáo Sơn quanh co, không thành khẩn, không có ý thức tuân thủ pháp luật, cọi thường pháp luật, thách thức giới hạn của pháp luật nên cần xử lý nghiêm khắc.