Ngày 14-3, TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Phương Bình (sinh năm 1959, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á – DAB), Phùng Ngọc Khánh (sinh năm 1963, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần M&C) và 6 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Trả lời HĐXX về việc vì sao phải sử dụng 5 pháp nhân của 5 công ty để vay tiền, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty M&C cho biết, theo quy định về hạn mức cấp tín dụng của ngân hàng, một doanh nghiệp không được vay quá 15% vốn tự có nên dùng 5 công ty để chia nhỏ các khoản vay để vay được số tiền lớn hơn.
Các bị cáo tại tòa |
Bị cáo Phùng Ngọc Khánh khai có gặp Trần Phương Bình để trao đổi phương án cơ cấu các khoản nợ của các công ty. Bị cáo không bàn bạc hay trao đổi gì với nhân viên cấp dưới.
Bị cáo Trần Phương Bình thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng DAB khai về chứng thư bảo lãnh và khoản vay 146 tỷ đồng của Công ty M&C. Thời điểm đó, DAB không đủ vốn để cho vay trung và dài hạn nên chỉ cho vay ngắn hạn.
Quang cảnh phiên xét xử |
Tuy nhiên, sau khi cho vay và đến hạn trả nợ, Công ty M&C không có nguồn tiền để chi trả cho DAB nên đã đi vay tại Ngân hàng An Bình bằng hình thức phát hành trái phiếu. Để có thể vay tiền ở Ngân hàng An Bình bằng trái phiếu, DAB đã phát hành chứng thư bảo lãnh với trị giá 120 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Phương Bình cho biết, bản chất của việc phát hành chứng thư bảo lãnh cho Công ty M&C là để sau khi Công ty M&C vay được tiền từ Ngân hàng An Bình thì DAB thu về được số tiền 120 tỷ đồng. Đồng thời, qua đó kéo dài thời gian trả nợ cho Công ty M&C.
Về khoản tiền 146 tỷ đồng DAB cho Công ty M&C vay là do để không bị ảnh hưởng đến uy tín của DAB nên đã chỉ đạo cho Công ty M&C vay bắt buộc 146 tỷ để công ty này trả nợ gốc và lãi trái phiếu cho Ngân hàng An Bình.
Bị cáo Trần Phương Bình và bị cáo Phùng Ngọc Khánh thừa nhận thời điểm làm thủ tục vay tiền của DAB, Công ty M&C có dùng 18 giấy chứng nhận (đứng tên Công ty M&C) để làm tài sản thế chấp. Tuy nhiên, hai bên chỉ ký hợp đồng thế chấp, sau đó không thực hiện công chứng và cũng chưa đăng ký giao dịch bảo đảm.