VKS cho rằng, quá trình xét hỏi, lời khai của các bị cáo và những người liên quan khẳng định: Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát và dần lan nhanh ra toàn thế giới, đến tháng 4-2020, đã có hàng triệu người mắc bệnh và hàng trăm ngàn người tử vong vì bệnh này. Nhiều nước đã phải áp dụng chính sách phong tỏa, đóng cửa biên giới và ngừng các chuyến bay quốc tế.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ cho phép thực hiện việc đưa công dân từ nhiều nơi trên thế giới trở về. Việc đưa công dân về nước được tổ chức theo hình thức: công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các chuyến bay do cơ quan nhà nước phối hợp tổ chức thực hiện và cách ly tại các cơ sở quân đội. Công dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không phải trả tiền chi phí cách ly (gọi tắt là chuyến bay giải cứu).
Sau đó, trước nhu cầu hồi hương của đồng bào, trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp và trong nước đang kiểm soát tốt dịch, song song với những “chuyến bay giải cứu”, Chính phủ tiếp tục cho phép tổ chức các "chuyến bay combo.”
Các "chuyến bay combo” được các doanh nghiệp tổ chức thực hiện cho những công dân có nhu cầu tự nguyện trả chi phí trọn gói về nước bao gồm: vé máy bay; giấy chấp nhận của đơn vị tổ chức cách ly, sau khi đã thỏa thuận về chi phí cách ly và giấy chấp thuận cho nhập cảnh (phê duyệt cho có tên trên chuyến bay đó).
Từ đầu 2020 đến tháng 1-2022, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, nhiều cựu lãnh đạo bộ, ban, ngành đã vi phạm pháp luật.
Sau bản án sơ thẩm, đã có 23 bị cáo kháng cáo, trước ngày xét xử phúc thẩm đã có 2 bị cáo rút đơn kháng cáo, chỉ còn 21 người.
Quá trình xét xử, VKS thấy rằng, đối với nhóm bị cáo nhận hối lộ, trong đó có bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế), người này với vai trò, trách nhiệm của mình đã yêu cầu các doanh nghiệp chi tiền trong quá trình xin cấp phép các chuyến bay. Tổng số, Kiên đã nhận hối lộ 253 lần, với tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.
VKS khẳng định, tòa cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Kiên tù chung thân là phù hợp. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo và gia đình đã nộp thêm hơn 400 triệu đồng tiền khắc phục hậu quả, đã hoàn thành xong số tiền mà cấp sơ thẩm đề nghị. Tuy vậy, VKS cho rằng, do hành vi bị cáo là người vòi vĩnh, gây khó dễ cho doanh nghiệp thực hiện chuyến bay và phạm tội nhiều lần, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo. Đề nghị giữ nguyên mức án chung thân.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại Giao), người này bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 20 tỷ đồng và bị tòa sơ thẩm tuyên tù chung thân. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, bị cáo và gia đình đã cung cấp thêm một số tình tiết giảm nhẹ như: gia đình có công với cách mạng, có văn bản của Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo đã thành khẩn nhận tội. Khi phạm tội, VKS cho rằng, bị cáo Lan được các doanh nghiệp tự nguyện đưa tiền. Từ nhận định đó, VKS đề nghị chấp nhận kháng cáo và đề nghị mức án từ chung thân giảm còn 20 năm tù.
Cấp trên của bị cáo Lan là Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) bị tòa sơ thẩm tuyên 16 năm tù về tội nhận hối lộ. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Dũng cũng đưa ra được các tình tiết giảm nhẹ. Giống như cấp dưới, bị cáo này có văn bản của Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao xin giảm nhẹ hình phạt. Bản thân bị cáo có nhiều bằng khen, giấy khen và cũng đã thực hiện xong nghĩa vụ mà cấp sơ thẩm tuyên, nên đề nghị chấp nhận kháng cáo, đề nghị giảm từ 16 năm tù xuống còn 12-13 năm tù (giảm 3-4 năm tù).
Với bị cáo Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), được đề nghị giảm 2-3 năm tù (án sơ thẩm 12 năm tù).
Bị cáo Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) được đề nghị chấp nhận kháng cáo, đề nghị giảm 1 năm tù (án sơ thẩm 6 năm tù)...
Hiện, VKS đang tiếp tục nêu quan điểm đối với các bị cáo khác.