Ngày 7-6, Bệnh viện Quốc tế City (CIH) cho biết, vừa cứu sống cả mẹ và bé sản phụ L.D.Y. (32 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) mang thai 30 tuần bị nhau cài răng lược thể nặng. Sản phụ nhập viện trong tình trạng ra huyết âm đạo nhiều. Ngay lập tức sản phụ được hồi sức, truyền máu và giải quyết tình trạng mất máu.
Theo TS.BS Tạ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Y khoa kiêm Trưởng khoa phụ sản, Bệnh viện CIH, đây là trường hợp sản khoa rất khó vì sản phụ có nhau cài răng lược, mạch máu tiền đạo; khi ối vỡ, mạch máu tiền đạo vỡ gây chảy máu không thể cầm được. Ê-kip bác sĩ đã nhanh chóng đưa sản phụ lên phòng mổ, tiến hành gây mê để phẫu thuật.
Sau 3 giờ hồi sức và phẫu thuật, các bác sĩ đã phối hợp thực hiện mổ sinh và xử lý nhau cài răng lược một cách an toàn để cứu mẹ và con kịp thời. Do đó, sản phụ đã được cứu sống, lượng máu mất trong cuộc mổ không đáng kể.
Sau 5 ngày phẫu thuật, sản phụ L.D.Y. đã được xuất viện. Em bé non tháng với cân nặng 1,750 gam nên đã được chuyển đến bệnh viện chuyên Nhi để tiếp tục nuôi dưỡng. Sản phụ sau khi xuất viện, cũng đã đến bệnh viện để tiếp tục quá trình kangaroo, chăm sóc bé.
TS.BS Tạ Thị Thanh Thủy cho biết, nhau cài răng lược là tình trạng mang thai, thay vì nhau bám bình thường thì các rễ của bánh nhau cắm sâu vào cơ tử cung. Vì vậy khi chuyển dạ sinh ngả âm đạo hoặc mổ sinh thì sản phụ có nguy cơ chảy máu nhiều, khó cầm.
Trước đây, nếu sản phụ có nhau cài răng lược thì đồng nghĩa khi sinh sẽ mất máu rất nhiều và nguy cơ cắt bỏ tử cung rất cao. Ngày nay, với sự phát triển của y học, sự tiến bộ của tay nghề, kinh nghiệm của phẫu thuật viên sản khoa, những trường hợp nhau cài răng lược đã được phẫu thuật bảo tồn thành công với tỷ lệ rất cao. Số lượng sản phụ bị cắt tử cung do nhau cài răng lược ngày càng giảm. Chỉ trừ một số trường hợp nhau cài răng lược đi xuyên vào bàng quang thì khả năng giữ tử cung trở nên khó.
Tình trạng nhau cài răng lược có thể mắc phải ở các sản phụ có vết mổ sinh trước đó hoặc ở những phụ nữ nạo phá thai nhiều lần.