Thai phụ sinh năm 1975, ngụ tại xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang mang thai lần 2, thai được 35 tuần 5 ngày.
Theo đó, sản phụ B. nhập viện với chẩn đoán nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược và có tiền căn mổ lấy thai trước đó vào năm 2001.
Sau khi xét nghiệm và tiến hành hội chẩn, các bác sĩ xác định sản phụ B. nằm trong nhóm nguy cơ cao cho cả mẹ và con, do sản phụ lớn tuổi; tiền căn vết mổ cũ; thai non tháng; vị trí nhau bám trung tâm, bánh nhau xuyên cơ tử cung và rất sát bàng quang…
Vì vậy, các bác sĩ quyết định phẫu thuật lấy thai và cắt tử cung trong nhau cài răng lược. Các bác sĩ đã phẫu thuật dọc thân tử cung lấy thai, sau đó thắt động mạch hạ vị 2 bên, cắt tử cung bán phần thấp... Tuy nhiên, vị trí nhau bám ở đoạn dưới cổ tử cung xâm lấn đến vùng bàng quàng nơi có nhiều mạch máu tăng sinh phức tạp, tiên lượng trình trạng máu chảy nên tiến hành truyền 2 đơn vị hồng cầu để ổn định huyết động học cho sản phụ B.
Ca phẫu thuật gần 3 giờ và đã cứu sống được 2 mẹ con. Bé trai sinh nặng 2,5 kg, khóc to, bú mẹ tốt và phản xạ tốt. Hiện tại sức khỏe mẹ tốt, vết mổ khô, sinh hiệu ổn định, âm đạo không huyết...
Nhau cài răng lược là tình trạng bánh nhau bám chặt bất thường vào lớp cơ tử cung của thai phụ. Tùy vào mức độ xâm lấn của bánh nhau mà chia làm 3 mức độ. Mức độ nhẹ là nhau bám chặt và xâm lấn một phần cơ tử cung; mức độ trung bình là nhau xâm lấn sâu vào cơ tử cung nhưng chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung; mức độ nặng là bánh nhau xuyên qua khỏi lớp thanh mạc tử cung và xâm lấn đến những cơ quan lân cận như bàng quang và ruột.