Trước đó, ông C. nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, cơn đau lan ra cả vùng hông lưng phía sau. Vài ngày trước khi nhập viện, ông C. bị đau nhẹ vùng thắt lưng, tình trạng đau không khỏi mà còn tăng nặng hơn nên gia đình đã thu xếp đưa ông đi bệnh viện.
Sau khi được tiến hành sàng lọc Covid-19, ông C. nhanh chóng được thực hiện siêu âm và chụp CT-scan động mạch chủ ngực bụng. Qua thăm khám và xem xét kết quả, các bác sĩ Ngoại Tim mạch chẩn đoán đây là trường hợp phình động mạch chủ bụng trên thận có kích thước 7cm, có bóc tách động mạch chủ, dọa vỡ.
Người bệnh có nhiều bệnh lý đi kèm: đái tháo đường, tăng huyết áp, hội chứng Cushing, rối loạn mỡ máu… Nhận định đây là một trường hợp bệnh rất nặng với nguy cơ tử vong cao. Sau khi hội chẩn toàn viện tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ thống nhất phương án tối ưu là mổ cấp cứu cho ông C.
Ngay sau khi gia đình ông C. đồng ý, ca phẫu thuật nhanh chóng được thực hiện. Các bác sĩ khoa Ngoại Tim mạch đã tiến hành phẫu thuật theo đường ngực bụng, làm cầu nối từ động mạch chủ ngực xuống vào động mạch thận trái, thay động mạch chủ bụng bằng ống ghép nhân tạo và chuyển các mạch máu nuôi tạng về ống ghép.
Ths.BS. Lương Công Hiếu, Khoa Ngoại Tim Mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, trường hợp của ông C. việc chẩn đoán phải được tiến hành thật nhanh, để xác định đúng là phình động mạch chủ dọa vỡ. Nếu không được chẩn đoán đúng và giải quyết kịp thời, ông C. sẽ tử vong do mất máu.
Phần thương tổn ở động mạch chủ trên thận là một vị trí mổ khó, liên quan đến 2 động mạch thận và các mạch máu nuôi tạng nên người bệnh có nguy cơ thiếu máu nuôi các tạng trong ổ bụng, dẫn đến suy thận, suy gan, hoại tử ruột … sau phẫu thuật.
Ngày thứ ba sau mổ, tình trạng huyết động của bệnh nhân ổn định, chức năng gan, thận hoạt động bình thường. Ông C. đã vượt qua giai đoạn đầu tiên trong quá trình điều trị là giải quyết thương tổn ở động mạch chủ để giữ lại mạng sống.
Ở giai đoạn tiếp theo, các bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân ổn định các bệnh lý đi kèm bằng thuốc và đưa ra chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp quá trình hồi phục tốt hơn, nâng cao thể trạng người bệnh. Sau gần một tháng điều trị tích cực, sức khỏe ông C. đã ổn định để xuất viện và theo dõi, chăm sóc tại nhà.
Theo Ths.BS. Lương Công Hiếu, khi túi phình động mạch chủ căng vỡ, người bệnh thường có các biểu hiện đau ngực, đau bụng, đau lưng dữ dội, khó thở nhiều, da xanh nhợt, tụt huyết áp, sốc… Cơ hội cứu sống bệnh nhân khi phình động mạch chủ vỡ là rất mong manh.
"Người có các bệnh lý liên quan trực tiếp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hoặc các bệnh lý di truyền như Marfan, Elhers Danlos… nên tiến hành thăm khám, điều trị kiểm soát tốt các bệnh lý nền đi kèm. Ngoài ra, việc tiến hành các xét nghiệm hình ảnh định kỳ (siêu âm và CTA) theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp cho người bệnh có kế hoạch điều trị tốt hơn. Can thiệp ngoại khoa chủ động đúng thời điểm sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân rất nhiều so với khi can thiệp cấp cứu”, Ths.BS. Lương Công Hiếu khuyến cáo.
Động mạch chủ là động mạch dẫn máu lớn nhất trong cơ thể, xuất phát từ tim, đi trong lồng ngực, xuống bụng, và chia thành 2 nhánh động mạch chậu đi xuống 2 chi dưới. Trên đường đi của động mạch chủ có các nhánh nhỏ hơn dẫn máu đi nuôi các cơ quan trong toàn bộ cơ thể. Bình thường động mạch chủ có đường kính khoảng 2cm. Trong trường hợp thành mạch của động mạch chủ “yếu” do bệnh lý (xơ vữa mạch máu, nhiễm trùng, bóc tách động mạch chủ…) hoặc di truyền (hội chứng Marfan, Elhers Danlos…), động mạch chủ giãn phình dần dần dưới áp lực của dòng máu chảy qua động mạch chủ. Biến chứng nguy hiểm của phình động mạch chủ là vỡ phình. Túi phình động mạch chủ vỡ gây chảy máu nghiêm trọng, dẫn đến sốc, thậm chí là tử vong. |