Bệnh nhân được cấp cứu ngưng tim trong khoảng 30 phút mới có tim đập trở lại. Sau đó, người bệnh vẫn trong tình trạng hôn mê, thở máy. Nguyên nhân ngưng tim được xác định do nguyên nhân tim mạch, người bệnh được hội chẩn khẩn với chuyên khoa tim mạch và chụp mạch vành cấp cứu nhưng không phát hiện tổn thương. Ngay sau đó, người bệnh được chuyển về khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục hồi sức sau ngưng tim với thở máy, kiểm soát huyết áp, kiểm soát đường huyết, điều chỉnh rối loạn nước và điện giải.
ThS-BS Phan Thái Sơn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, người bệnh có chỉ định hạ thân nhiệt chỉ huy và cần được thực hiện sớm để bảo vệ não. Ngay sau đó, điều trị hạ thân nhiệt được tiến hành vào giờ thứ 6 kể từ khi ngưng tim bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt bề mặt (dùng các tấm dán hạ nhiệt lên bề mặt da và hạ thân nhiệt điều khiển bằng máy), quá trình hạ thân nhiệt chỉ huy được tiến hành trong khoảng thời gian 96 giờ.
Cùng với biện pháp hạ thân nhiệt chỉ huy, người bệnh được hồi sức tích cực với thở máy, dùng các thuốc an thần và dãn cơ, kiểm soát huyết áp. Kết thúc liệu trình hạ thân nhiệt, người bệnh được ngưng các thuốc an thần và dãn cơ, người bệnh tỉnh, trí nhớ phục hồi gần như hoàn toàn, không có dấu hiệu tổn thương thần kinh do ngưng tim kéo dài.