Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, vào khoảng 16 giờ 30 ngày 11-4, tại Bình Phước, anh T. đã bị người khác dùng vật nhọn (dao) đâm vào ngực trái cách mỏm mũi kiếm xương ức 2cm về bên trái.
Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bình Phước, sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tình trạng lúc nhập viện của bệnh nhân là suy hô hấp, da tím tái, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) 60%, nhịp thở 28 lần/phút, mạch 140 lần/phút, huyết áp không đo được.
Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã nhanh chóng kích hoạt quy trình “báo động đỏ”, truyền 2 đơn vị hồng cầu, truyền bù dung dịch đẳng trương, đồng thời tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa khẩn cấp. Lúc 22 giờ ngày 11-4, tức chỉ 5 phút sau khi nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân T. đột ngột ngưng thở, ngưng tim.
Sau khi được các y bác sĩ tích cực hồi sức bằng xoa bóp tim ngoài lồng ngực, tiêm adrenaline, đặt nội khí quản…, đến 22 giờ 10 phút cùng ngày, tim của bệnh nhân đã đập trở lại và bệnh nhân ngay lập tức được đưa thẳng vào phòng mổ của khoa Cấp cứu.
Để giữ lấy sự sống cho bệnh nhân, các bác sĩ tham gia hội chẩn đã nhất trí tiến hành mổ khẩn cho bệnh nhân ngay tại khoa Cấp cứu để tận dụng thời gian “can thiệp vàng”, với ê-kip phẫu thuật gồm 3 bác sĩ của khoa Ngoại lồng ngực (bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Đăng Quang, bác sĩ Trần Đình Phú, bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa), 3 bác sĩ của khoa Cấp cứu (bác sĩ Nguyễn Trọng Phương, bác sĩ Huỳnh Nhựt Thành), 1 bác sĩ của khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức (bác sĩ Nguyễn Thị Phượng) và 1 bác sĩ của khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim (bác sĩ Phạm Bảo Lộc). Chẩn đoán xác định bệnh nhân bị vết thương ngực trái, thủng thùy lưỡi phổi trái, kết hợp với một vết thương ở thất phải. Ê-kip phẫu thuật đã tiến hành khâu vết thương thất phải, thùy lưỡi phổi trái, dẫn lưu màng tim, phổi trái.
Ca phẫu thuật kết thúc vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 12-4. Đến sáng 12-4, tri giác bệnh nhân ổn định, bệnh nhân vẫn còn thở máy, nhưng thuốc vận mạch đã giảm liều và đang được các bác sĩ theo dõi sát sao quá trình hồi phục.