Trước đó, sản phụ B.T.T.N. đi khám với dấu hiệu ra dịch hồng, đau bụng từng cơn ở tuần thai thứ 26 tại một bệnh viện ở huyện Tân Thạnh, Long An. Sau khi thăm khám, bác sĩ thấy chị N. có dấu hiệu dọa sinh non và chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An.
Tại bệnh viện, chị N. được bác sĩ sản thăm khám và siêu âm, đây là trường hợp hiếm gặp tại các bệnh viện địa phương, ngay lập tức bác sĩ Khoa Sơ sinh được mời lên hội chẩn để xác định về khả năng sống của bé. Sau 2 giờ nhập viện, bé gái được chào đời với cân nặng 700gram, chiều dài và chu vi vòng đầu tuần tự là 33cm và 24cm.
Sau 2 giờ, tình trạng mẹ và bé ổn định được cho về Khoa Sơ sinh chăm sóc đặc biệt, bé tiếp tục thở NCPAP, thực hiện phương pháp da kề da 24/24 giờ, cho ăn sữa mẹ, kèm nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch và kháng sinh.
Một tuần sau sinh, bé ngưng phương pháp hỗ trợ NCPAP và tự thở khí trời. 2 tuần tiếp theo, bé ngưng tất cả các can thiệp y tế, nuôi ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Đến nay, sau 57 ngày được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh, cân nặng bé đã được 1,545 kg, chiều dài 42,5cm, vòng đầu 31,5cm, đã có khả năng tự bú mẹ.
Bác sĩ Lương Kim Chi, Trưởng Khối Sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An cho biết, trường hợp bé được cứu sống là trường hợp rất đặc biệt, thông thường các bé sinh cực non sẽ có tỷ lệ sống sót thấp nhưng tỷ lệ tàn tật cao.
Sau quá trình chăm sóc và theo dõi chúng tôi nhận thấy mẹ hồi phục rất nhanh, bé phát triển rất tốt, tình trạng sức khỏe ổn định.
“Nếu bà mẹ có nguy cơ dọa sinh non, thì nên lựa chọn khám và sinh tại các cơ sở y tế có chăm sóc Kangaroo, da kề da sau sinh để được chăm sóc tối ưu cho mẹ và bé. Nên dùng các thuốc hỗ trợ trưởng thành phổi nếu có dấu hiệu dọa sinh non (ở tuổi thai 24 đến 34 tuần thai) theo chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Lương Kim Chi khuyến cáo.