Bé được bệnh viện từ Long An chuyển đến với biểu hiện rối loạn tri giác, lơ mơ do thiếu oxy máu nặng, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) chỉ 80%, trong khi bình thường 96%-98%. Trước đó, bé sốt nhẹ, ho, sổ mũi, khò khè, khó thở, bệnh viện địa phương điều trị không bớt.
Qua xét nghiệm khí máu động mạch, X-quang phổi, các bác sĩ ghi nhận đường thở của bệnh nhi bị co thắt nặng, chẩn đoán bé bị hen phế quản cơn nặng, được điều trị cắt cơn hen, hỗ trợ thở oxy, dùng khí dung thuốc giãn phế quản, tiêm corticoid tĩnh mạch, tiêm adrenalin giãn phế quản tức thời... Sau gần 3 ngày điều trị tích cực, bé bớt khó thở, điều trị tại Khoa Hô hấp. Người nhà cho biết, bé bị khò khè nhiều lần, từ lúc 4 tuổi đã được chẩn đoán hen phế quản nhưng không theo dõi điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, trẻ bị hen suyễn cần tái khám, tuân thủ phòng ngừa theo hướng dẫn của bác sĩ. Trẻ sẽ không lên cơn suyễn, có thể sinh hoạt, tập thể dục, đi học như một trẻ bình thường nếu được phòng ngừa đúng cách. Tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen suyễn như khói thuốc lá, bụi nhà, thuốc xịt phòng, dầu thơm, thuốc xịt diệt côn trùng, mùi sơn nhà mới. Không nuôi, chơi chó mèo, thú nhồi bông, chăn mền lông... Nhà cần thường xuyên mở cửa, quét dọn thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ, tránh dùng thảm. Trẻ có một trong các dấu hiệu như khò khè tái phát, ho thường xuyên về đêm lúc gần sáng, thức giấc giữa đêm ngồi dậy thở... cần đưa đến bệnh viện kiểm tra ngay.